Dow Jones tăng 336 điểm khi lạm phát giảm tháng thứ 8 liên tiếp, cổ phiếu ngân hàng phục hồi
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 336 điểm, tương đương 1,06%, và đóng cửa ở 32.155 điểm. Đây là phiên tăng điểm đầu tiên của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này sau chuỗi giảm 5 phiên liên tục.
S&P 500 và Nasdaq Composite diễn biến khả quan hơn khi tăng lần lượt 1,65% và 2,14%. So với đầu năm 2023, hai chỉ số này đang cao hơn tương ứng 2,1% và 9,2%.
Theo CNBC, tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư với cổ phiếu ngân hàng dịu đi vào buổi chiều, nhưng nhiều mã vẫn đóng cửa trong sắc xanh sau khi giảm sâu trong hai phiên vừa qua. Nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng nhiều ngân hàng sẽ không chịu chung số phận sụp đổ như Silicon Valley Bank (SVB) hay Signature Bank.
Chứng chỉ quỹ cổ phiếu ngân hàng địa phương SPDR S&P Regional Banking ETF (KRE) tăng 2,1%, phục hồi một phần sau khi lao dốc 12% trong hai phiên trước. Biểu đồ bên dưới cho thấy cổ phiếu ngành tài chính là một trong ba nhóm tăng mạnh nhất thị trường ngày 14/3.
Cổ phiếu First Republic Bank vọt lên 27% sau khi cắm đầu 62% vào phiên đầu tuần 13/3. Tương tự, PacWest BanCorp bật tăng gần 34% sau khi giảm trên 20% trong ba phiên liên tiếp trước đó.
Nhà đầu tư đang nhìn về phía trước xem chuyện gì sẽ xảy ra với hệ thống ngân hàng sau những vụ đổ vỡ gần đây. Theo ông Charlie Ripley, Phó Giám đốc quản lý danh mục tại Allianz Investment Management, việc các cơ quan quản lý thông báo giải cứu toàn bộ người gửi tiền đã “thay đổi tâm lý, hoặc dịch chuyển làn sóng, tới một mức độ nào đó”.
“Thị trường ban đầu phản ứng tự phát, sau đó sẽ cần thêm thời gian để suy xét từng chi tiết, hiểu rủi ro thực sự và hiểu mối nguy hiểm nằm ở đâu”.
Đà phục hồi của thị trường không chỉ giới hạn trong nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng. Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều đi lên. Đà tăng hạ nhiệt trong buổi chiều sau tin một máy bay chiến đấu của Nga đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trên Biển Đen.
Nhà đầu tư cũng tập trung phân tích số liệu lạm phát mới được công bố. Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,4% so với tháng 1 và cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là tháng thứ 8 liên tiếp lạm phát giảm so với tháng liền trước.
Cả hai số liệu lạm phát của tháng 2 đều khớp với dự báo trước đó của các nhà kinh tế do Reuters và Dow Jones khảo sát.
Reuters dẫn lời ông Jamie Cox, Giám đốc cấp cao tại Harris Financial Group, nhận định: “Fed sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn, chấp nhận lạm phát cao một chút và chờ xem các đợt tăng lãi suất gần đây có tác dụng hay không, hoặc tiếp tục nâng lãi suất và phải đương đầu với sự bất ổn tài chính do quyết sách của mình gây ra”.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng lạm phát đã qua đỉnh nhưng vẫn còn cao một cách dai dẳng, bất chấp những nỗ lực thắt chặt tiền tệ của Fed. "Việc các ngân hàng khu vực liên tiếp sụp đổ gần đây đã loại trừ khả năng lãi suất tăng 50 điểm cơ bản (bps), nhưng số liệu CPI hôm nay hàm ý rằng Fed vẫn sẽ nâng lãi suất 25 bps vào ngày 22/3”.
Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất từ 75 bps trong 4 cuộc họp liên tiếp vào tháng 6, 7, 9, 11/2022, xuống còn 50 bps vào tháng 12 và 25 bps vào hôm 1/2 mới đây. Phiên họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 21 - 22/3 sắp tới.