|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones rớt 550 điểm rồi kết phiên tăng hơn 800 điểm, chứng khoán Mỹ biến động mạnh sau công bố CPI

07:17 | 14/10/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 13/10 biến động dữ dội sau khi nhà đầu tư đón nhận số liệu giá tiêu dùng tháng 9 cao hơn dự báo. Tính từ đáy đến đỉnh trong phiên, Dow Jones bật tăng 1.500 điểm.

Chứng khoán Mỹ đi lên mạnh mẽ trong phiên 13/10.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc mất tới 550 điểm nhưng cũng có lúc vọt lên 958 điểm, tương ứng với biên độ dao động khoảng 1.500 điểm trong phiên 13/10. Đóng cửa, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này tăng 828 điểm, tương ứng 2,83%, và dừng ở 30.039 điểm.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,6% và 2,23%, chấm dứt chuỗi giảm điểm 6 phiên liên tục trước đó.

Dow Jones bật tăng hơn 800 điểm và lấy lại mốc 30.000.

Theo CNBC, các chỉ số chứng khoán Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020 sau khi số liệu lạm phát được công bố cao hơn dự kiến. Sau đó, thị trường hồi phục mạnh mẽ, S&P 500 ghi nhận biên độ biến động trong phiên lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Theo SentimenTrader, phiên 13/10 ghi nhận ngày đảo chiều tăng điểm mạnh thứ 5 trong lịch sử S&P 500 và mạnh thứ 4 trong lịch sử Nasdaq.

Cổ phiếu năng lượng và tài chính dẫn đầu đà hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ khi hai nhóm này cùng vọt lên hơn 4%. Biểu đồ bên dưới cho thấy các nhóm ngành còn lại đều đi lên với tỷ lệ 1-3%.

Cổ phiếu đại gia dầu khí Chevron tăng 4,85% khi giá dầu khởi sắc. Cổ phiếu các nhà băng lớn Goldman Sachs và JPMorgan Chase tăng tương ứng 4% và 5,6%. Các cổ phiếu công nghệ gồm Apple, Microsoft, Nvidia và Qualcomm cũng đóng góp tích cực vào phiên tăng mạnh của thị trường.

Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều đi lên.

Bộ Lao động Mỹ sáng 13/10 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tháng 9 tăng 0,4% so với tháng liền trước, cao hơn mức 0,3% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, CPI toàn phần tháng 9 tăng 8,2%.

Nếu không kể giá năng lượng và lương thực, CPI lõi tháng 9 tăng 0,6% so với tháng 8, cao hơn con số 0,4% mà Dow Jones dự báo. So với 12 tháng trước, CPI lõi tháng 9 vọt lên 6,6%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/1982 như biểu đồ dưới đây cho thấy.

Lạm phát lõi (so với cùng kỳ năm trước) của Mỹ trong tháng 9/2022 lên mức cao nhất hơn 40 năm.

Thị trường tài chính hiện nay dự báo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) trong hai cuộc họp liên tiếp vào tháng 11 và 12 năm nay. Từ tháng 3 năm nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 5 lần liên tiếp, trong đó có ba lần thêm 75 bps liền nhau vào tháng 6, 7 và 9. Tổng cộng, lãi suất quỹ liên bang đã tăng 300 bps trong 7 tháng qua.

Theo CNBC, nhà đầu tư có thể đang đánh cược rằng số liệu CPI cao hơn dự kiến cho thấy đà tăng giá cả sẽ sớm lập đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt.

Bà Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại tập đoàn tài chính Charles Schwab, nhận định: “Có thể đây là lần cuối cùng lạm phát tăng mạnh và từ nay trở đi chúng ta sẽ bắt đầu giảm tốc”. Tuy nhiên, bà Sonders cho rằng những biến động trong giá cổ phiếu vẫn sẽ tiếp tục khi nhà đầu tư đón nhận thêm những số liệu về lạm phát và kết quả kinh doanh quý III.

Khuyến nghị thận trọng

Tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ khó có thể tránh khỏi suy thoái.

"Tôi không biết chúng ta có thể hạ cánh mềm hay không, có thể là có, nhưng tôi nghĩ là không", ông Dimon nói hôm 13/10. "Trong một cuộc suy thoái nghiêm trọng, thị trường có thể giảm thêm 20-30% nữa".

Trước đó vào hôm 10/10, ông Dimon đã dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 6 - 9 tháng tới và thị trường chứng khoán giảm thêm 20%.

(Đồ họa: Song Ngọc).

Chia sẻ trên kênh CNBC ngày 13/10, ông Josh Brown, CEO công ty quản lý tài sản Ritholtz, cho rằng nhà đầu tư nên xuống tiền có chọn lọc chứ không nên vội vàng sợ “lỡ tàu”.

“Tại sao phải vội? Tại sao phải tất tay chọn một vị thế vào lúc này? Tại sao phải vội khẳng định lúc này chính là đáy?”, ông Brown nói về những lời bán tán rằng phiên tăng sốc 13/10 cho thấy thị trường đã tạo đáy.

“Cách tiếp cận đúng là xuống tiền dần dần, đừng nghĩ rằng tình hình không thể tồi tệ hơn nữa, vì cách nghĩ này rõ ràng là không đúng”.

Ông Greg Swenson, đồng sáng lập ngân hàng đầu tư Brigg Macadam, cũng cho rằng nhà đầu tư không nên quá tin tưởng vào phiên hồi phục 13/10 và nên chuẩn bị cho nhiều biến động mạnh hơn phía trước.

“Tôi nghĩ việc quá phấn khích với phiên tăng hôm nay là một sai lầm”, ông Swenson nói và dự đoán rằng sự lạc quan của nhà đầu tư về việc lạm phát đã đạt đỉnh - sau khi đón báo cáo CPI tháng 9 – sẽ không tồn tại được lâu.

“Đây là một đợt phục hồi nhỏ trong thị trường gấu, tôi cho là chúng ta sẽ đón thêm nhiều tin xấu nữa’, ông Greg nhận định.

Đức Quyền