|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones mất hơn 400 điểm khi gói cứu trợ tiếp tục bế tắc

07:17 | 20/10/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 19/10 đồng loạt giảm sâu khi sắp hết hạn chót 48 giờ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đưa ra và hai đảng Dân chủ - Cộng hòa vẫn chưa chốt được một gói giải cứu kinh tế. Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 đang tăng lên ở nhiều bang.
Dow Jones mất hơn 400 điểm khi gói cứu trợ tiếp tục bế tắc - Ảnh 1.

Nhà giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 411 điểm, tương đương 1,4%, đóng cửa ở 28.195 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này tăng hơn 100 điểm. 

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lao dốc lần lượt 1,6% và 1,7%. Cả Dow Jones và S&P 500 đều vừa chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/9, Nasdaq giảm sâu nhất kể từ ngày 2/10. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019 Nasdaq đi xuống 5 phiên liên tiếp.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn diễn biến tiêu cực. Alphabet, Microsoft, Apple và Amazon đều giảm ít nhất 2%, Facebook sụt 1,7%. Cổ phiếu năng lượng và công nghệ là hai nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500, mất lần lượt 2,1% và 1,9% trong phiên 19/10.

Vào ngày Chủ nhật 18/10, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (thuộc Đảng Dân chủ) đã cho chính quyền Tổng thống Donald Trump (thuộc Đảng Cộng hòa) hạn chót 48 giờ để chốt thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế trước cuộc bầu cử 3/11. Bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có lịch thảo luận với nhau vào chiều 19/10 (theo giờ Mỹ).

Tuy nhiên tờ Washington Post dẫn nguồn tin riêng cho biết bà Pelosi và chính quyền Donald Trump "chưa tiến gần" đến một thỏa thuận. Sau thông tin này, các chỉ số chứng khoán chính đồng loạt rơi xuống đáy của ngày. 

CNBC dẫn lời ông Scott Wren - chuyên gia chiến lược thị trường cao cấp tại Wells Fargo Investment Institute nhận định: "Thị trường sẽ tiếp tục rất nhạy cảm với bất kì cuộc thương lượng nào có liên quan đến hỗ trợ tài khóa. Thị trường hồi phục từ đáy hồi tháng 3 là nhờ kì vọng về vắc xin COVID-19, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nới lỏng tiền tệ và mong đợi gói hỗ trợ tài khóa".

"Tôi nghĩ cả ba nhân tố trên đều rất quan trọng như ba chân của một cái bàn. Nếu mất đi một chân thì cái bàn có thể sẽ đổ sập", ông Scott Wren nói thêm.

Tâm lí nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng khi tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu chạm mốc 40 triệu trong ngày 19/10.

CNBC phân tích dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins và cho biết vào ngày 16/10, số ca nhiễm mới ở 38/50 bang của nước Mỹ tăng tới 5% so với ngày hôm trước.

Trên toàn nước Mỹ, số ca nhiễm mới hàng ngày tăng hơn 16% so với tuần trước, lên mức 55.000 ca/ngày. Tại châu Âu, số ca bệnh mới tăng tới 44% so với tuần trước, lên mức 97.000 ca/ngày.

Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ trải qua nhiều biến động, S&P 500 và Dow Jones giảm trong ba phiên liên tiếp rồi đóng cửa tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu (16/10).

Song Ngọc