Dow Jones giành lại mốc đầu năm, chứng khoán Mỹ đi lên sau thông điệp của Fed
Theo CNBC, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 160 điểm, tương đương 0,6%, đóng cửa ở 28.492 điểm. Giữa phiên, có lúc chỉ số này vọt lên mức 28.634 điểm, tức là trên mốc điểm khởi đầu năm 2020.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 3.485 điểm, trong phiên có lúc vượt qua ngưỡng 3.500 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống còn 11.625 điểm.
Thị trường diễn biến tích cực từ đầu phiên 27/8 sau khi ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo ngân hàng trung ương này đã chính thức chấp thuận chính sách "mục tiêu lạm phát trung bình".
Thay vì luôn theo đuổi một mục tiêu cứng là 2%, Fed sẽ cho phép lạm phát vượt lên trên ngưỡng 2% "một cách vừa phải" và "trong một khoảng thời gian nhất định" nếu như trước đó lạm phát đã liên tục ở dưới mục tiêu.
Nhà bình luận Jim Cramer của CNBC nhận xét: "Thật là không thể tin được. Thông điệp của Fed về căn bản có nghĩa là: 'Chúng tôi sẽ để cho nền kinh tế hoạt động, và chúng tôi sẽ không can thiệp cho đến khi nền kinh tế vận hành tốt hơn kì vọng của chúng tôi".
Từ nhiều năm nay Fed đã cố gắng giữ lãi suất ở mức 2% - một mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách cho là vừa dễ quản lí, vừa thể hiện một nền kinh tế khỏe mạnh. Tuy nhiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, lạm phát tại Mỹ thường xuyên ở dưới mục tiêu 2% của Fed.
Ông Powell cũng gợi ý khả năng rằng số liệu thất nghiệp có thể ở mức thấp hơn trong thời gian dài hơn trước khi Fed xem xét nâng lãi suất.
Trước đây, Fed thường cho rằng thất nghiệp quá thấp đồng nghĩa với nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và nhiều khả năng sẽ dẫn tới lạm phát cao. Do vậy, ngân hàng trung ương này thường nâng lãi suất để chặn trước.
Sau thông báo của Fed, lợi suất ngắn hạn đi xuống trong khi lợi suất dài hạn tăng lên. Cổ phiếu ngân hàng tăng trên diện rộng. Citigroup thêm 1,7%, JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo đều tăng ít nhất 1,9%.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kì hạn 10 năm tăng lên mức 0,74% còn kì hạn 30 năm lên 1,501%.
Trái với nhóm ngân hàng, nhóm công nghệ vốn hóa lớn lại đồng loạt đi xuống. Facebook và Netflix giảm lần lượt 3,5% và 3,9%. Amazon, Alphabet và Apple đều giảm khoảng 1%. Riêng Microsoft tăng gần 2,9%.
Nhà đầu tư phiên 27/8 cũng tập trung phân tích các dữ liệu kinh tế quan trọng.
Theo thông báo của Bộ Lao động, nền kinh tế Mỹ có hơn 1 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước (kết thúc ngày 22/8). Từ tháng 3 đến nay, nước Mỹ chỉ có một tuần duy nhất có số người xin trợ cấp ở dưới ngưỡng 1 triệu.
Trong khi đó, số liệu tăng trưởng GDP quí II được điều chỉnh thành "giảm 31,7%" từ con số ban đầu là "giảm 32,9%". Tuy cải thiện đôi chút sau điều chỉnh nhưng đây vẫn là quí lao dốc mạnh chưa từng thấy của nền kinh tế Mỹ.
(Cách tính GDP của Mỹ khác với các quốc gia khác, mức giảm 31,7% của Mỹ tương đương mức giảm 8-9% của các nước)