Dow Jones cắm đầu hơn 600 điểm, nhóm công nghệ kéo tụt chứng khoán Mỹ trong khi chờ số liệu lạm phát
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 638 điểm, tương đương 1,94%, và đóng cửa ở gần 32.273 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,38% và kết phiên ở 4.018 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt lại phía sau khi mất tới 2,75%, dừng ở 11.754 điểm. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn rủ nhau đi xuống. Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) sụt 6,4%, Amazon và Apple mất lần lượt 4,2% và 3,6%.
Theo CNBC, Boeing là cổ phiếu diễn biến tiêu cực nhất trong số 30 thành viên của Dow Jones khi mất 4,1%. Biểu đồ trên đây cho thấy 9/6 là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của chỉ số blue chip này. Cổ phiếu sòng bạc nằm trong nhóm giảm mạnh nhất S&P 500 với Las Vegas Sands mất 5,6% trong khi Caesars Entertainment giảm 3,8%.
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đảo ngược đà tăng trong phiên trước và kéo tụt Nasdaq, Pinduoduo lao dốc 9,6%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống một ngày trước khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 được công bố. Nhà đầu tư đang chờ đợi xem lạm phát đã thực sự đạt đỉnh hay chưa và liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cần phải nâng lãi suất mạnh tay hơn nữa để kìm hãm đà tăng của giá cả hay không.
CNBC trích dẫn báo cáo phân tích của Bespoke Investment Group nhận định: “Trong mấy ngày qua, mọi thành viên thị trường đều nói về báo cáo lạm phát. Thực tế này cho thấy lạm phát là một vấn đề lớn thế nào đối với nhà đầu tư trong 6 tháng gần đây, kể từ khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tỏ thái độ diều hâu với đà tăng của giá cả”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vũ khí bí mật 1.800 tỷ USD của Fed trong các cuộc chiến chống lạm phát, suy thoái 19/05/2022 - 12:37
Các chỉ số chỉ giảm nhẹ trong phần lớn thời gian của phiên 9/6 nhưng bị bán tháo ồ ạt trong một giờ giao dịch cuối buổi chiều. Dow Jones sụt hơn 400 điểm trong 60 phút cuối phiên. Chỉ số biến động Cboe (VIX) đo lường nỗi sợ hãi trên Phố Wall tăng lên trên 26 điểm lần đầu tiên trong tháng này.
Những tuần gần đây, nhà đầu tư quan tâm đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ khi Fed nâng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát. Thị trường muốn xem chiến dịch thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ có đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái hay không.
Một vài dữ liệu thống kê mới được công bố đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Giá nhiên liệu lên cao và chuỗi cung ứng liên tục đứt gãy đã khiến cho lạm phát cao dai dẳng trong những tháng gần đây. Biểu đồ bên dưới cho thấy lạm phát giá sản xuất tại Mỹ đang cao hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng. Trong tháng 4, tỷ lệ lạm phát đã lắng dịu một phần nhưng vẫn đang ở vùng cao nhất 40 năm và có khả năng bật tăng trở lại trong tháng 5.
Giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên 9/6 nhưng hợp đồng tương lai dầu Brent giao tháng 8 vẫn duy trì trên 122 USD/thùng còn dầu WTI vẫn trên 121 USD/thùng. Chỉ số phụ ngành năng lượng của S&P 500 đi xuống 2,3%. Thống kê sau đây cho thấy tất cả 11 nhóm ngành của thị trường chứng khoán Mỹ đều sa sút trong phiên 9/6.
Trong một diễn biến khác, Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa cho biết số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 229.000, tiêu cực hơn so với mức 210.000 mà các nhà kinh tế dự báo.
Chỉ số S&P 500 hiện đang thấp hơn khoảng 16% so với đỉnh lịch sử thiết lập ngày 3/1 năm nay, nhưng đa phần đi ngang trong mấy tuần gần đây sau khi hồi phục từ mức đáy 52 tuần trong tháng 5. Từ đầu tuần đến nay, S&P 500 đã giảm hơn 2%.