|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đột phá giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông

23:15 | 07/11/2023
Chia sẻ
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, một trong những giải pháp đột phá về giải ngân vốn đầu tư công mà Bộ đã thực hiện chính là việc thay đổi cách thức trong xây dựng kế hoạch giải ngân.

Ảnh: TTXVN

Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến hết tháng 10/2023, sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải đạt khoảng 63.500 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân này gấp hơn 2,2 lần giá trị, tương đương với tăng hơn 16%.   

Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 – 2020)  và giai đoạn 2 (2021 - 2025) chiếm hơn 60% tổng kế hoạch vốn của Bộ Giao thông Vận tải, trong 10 tháng của năm 2023, dự án giai đoạn 1 đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng, đạt 69%, dự án giai đoạn 2 giải ngân hơn 33.200 tỷ đồng, đạt 72%.

Theo ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), một trong những giải pháp đột phá về giải ngân vốn đầu tư công mà Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện chính là việc thay đổi cách thức trong xây dựng kế hoạch giải ngân.

Nếu trước đây, kế hoạch giải ngân được căn cứ trên tiến độ triển khai dự án thì năm 2023, đứng trước kế hoạch vốn rất lớn khoảng 95.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp, bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch đã xây dựng.

Cũng theo ông Lưu Quang Thìn, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc rà soát, điều hoà vốn cũng được thực hiện thường xuyên giữa các dự án giải ngân chậm và các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Cụ thể, từ đầu năm tới nay, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh kế hoạch 7 đợt cho 71 dự án với giá trị vốn điều chỉnh 4.463 tỷ đồng. Việc điều hòa vốn được các chủ đầu tư ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách.

Dưới góc độ đơn vị quản lý chất lượng công trình, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, sở dĩ áp lực giải ngân đang từng bước được hoá giải ở dự án giao thông là nhờ các chủ đầu tư, nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công sát với thực tiễn công trường.

Khó khăn về thời tiết, thiên tai đã được chủ động nhận diện. Thay vì đưa dự án vào thế bị động, các hạng mục công việc triển khai trong thời gian thời tiết bất lợi đã được đề ra rõ ràng.

"Nhận diện được khó khăn, xây dựng được kế hoạch đảm bảo mạch làm việc xuyên suốt từ xây lắp hiện trường đến thủ tục nội nghiệp là mấu chốt giúp các dự án đảm bảo được kế hoạch giải ngân đã đăng ký", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm nay là thời điểm nhiều dự án trọng điểm rơi vào ngành giao thông vận tải, kết quả giải ngân cao của Bộ Giao thông Vận tải không chỉ đóng góp chung vào thành tích chung của cả nước mà thể hiện được sự quyết tâm, cách làm hay của Bộ Giao thông Vận tải, kết quả này cần được lan toả và nhân rộng ở các ngành khác.

Đại diện các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải cho hay, để đáp ứng mục tiêu giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao, nhiều giải pháp đang tiếp tục được các đơn vị thực hiện như: phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu xây dựng; chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công.

Đồng thời, các đơn vị đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán; kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt; kiên quyết điều chỉnh khối lượng và xử lý ngay nhà thầu yếu kém...

Quang Toàn

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.