Dòng vốn vào lĩnh vực rủi ro được kiểm soát
Sợ rủi ro, tín dụng tiêu dùng hạ dần độ nóng | |
Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao? |
Tăng trưởng tín dụng thấp nhất 4 năm qua
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 30/8, tín dụng tăng 8,5% so với cuối năm trước. Có nghĩa, tín dụng mới đi được nửa chặng đường và dư địa tín dụng những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8, một lần nữa Chính phủ yêu cầu các TCTD kiểm soát dòng chảy tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán...
Ảnh minh hoạ. |
Việc Chính phủ lưu ý đến kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro được giới đầu tư nhận định có thể vốn vào lĩnh vực này đang tăng nhanh. Nhưng trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo vụ chức năng thuộc NHNN khẳng định, TTTD đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn ở mức thấp và trong tầm kiểm soát của NHNN. Đó chỉ là nhắc nhở đồng thời thể hiện sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với hoạt động ngân hàng.
Về phía ngành Ngân hàng, liên tục từ đầu năm đến nay NHNN ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh TTTD. Mới đây nhất là Chỉ thị số 04/CT-NHNN, trong đó nêu rõ NHNN sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu TTTD trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém. “Đó là thông điệp gửi tới các ngân hàng là cần phải “chọn bạn mà chơi”, hay nói cách khác tìm khách hàng tốt mà cho vay chứ không thể cho vay tràn lan như trước kia được. Tín dụng sẽ chỉ tăng kịch trần là 17%”, vị lãnh đạo này lưu ý thêm.
Các chuyên gia nhận định, áp lực lạm phát năm nay mạnh hơn các năm trước do giá dầu, giá hàng hóa... tăng, chưa kể những yếu tố tác động bên ngoài như chiến tranh thương mại, chính sách bảo hộ mậu dịch… Vì thế, việc đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là rất cần thiết trong lúc này, kể cả việc kiểm soát TTTD.
Một lý do nữa, theo đánh giá của giới chuyên môn tác động đến quyết định kiểm soát TTTD là Thông tư số 19 của NHNN có hiệu lực từ ngày 12/2/2018, các ngân hàng cũng đang phải giảm 25% vốn tự có cấp 2 (Tier 2) trong năm 2018, tiếp tục là 50% trong năm 2019 và 100% vào năm 2021. Nghĩa là, từ ngày 1/1/2021, toàn bộ số vốn tự có cấp 2 được phát hành theo cách này sẽ bị trừ toàn bộ khỏi vốn tự có của các ngân hàng. Theo đó, CAR của nhiều ngân hàng sẽ sụt giảm. Đơn cử, cuối năm 2017 CAR của VietinBank ở mức 10%, đến thời điểm 30/6/2018 giảm còn 9,5%.
Các chuyên gia cũng nhận xét rằng, đây cũng là cách thức để buộc các NHTM tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: BĐS, chứng khoán…
Tín dụng BĐS có đáng lo?
Vậy trên thực tế tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đang tăng trưởng ở mức nào. Trả lời câu hỏi của phóng viên, lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, theo báo cáo mẫu biểu của Tổng cục Thống kê, tín dụng đầu tư trực tiếp vào BĐS tăng trưởng chưa đến 5%, còn tín dụng tiêu dùng gồm mua nhà, sửa chữa nhà ở… tăng khoảng trên 10%. Chính vì những khoản vay tiêu dùng có liên quan đến nhà đất được gộp hết vào tín dụng BĐS nên khi nhìn con số TTTD vào lĩnh vực này sẽ thấy cao. Nhưng khi tách bạch ra thì ở mức thấp hơn so với những năm trước. Còn đối với các dự án BOT, BT giao thông, TTTD còn thấp hơn. Đến 30/6/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này là 120.224 tỷ đồng, tăng 4,94% so với 31/12/2017; trong đó dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực giao thông chiếm 73,19%.
Phân tích chi tiết hơn, theo một chuyên gia ngân hàng, bản chất đầu tư BĐS không xấu. Vì đầu tư vào BĐS tạo ra sản phẩm xã hội ý nghĩa như nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp… Chưa kể, nếu dừng hẳn cho vay đối với lĩnh vực này sẽ có tác động lan truyền tới rất nhiều các ngành nghề khác như xi măng, sắt thép, gạch ngói… Quá trình xử lý nợ xấu cũng sẽ bị tác động khi thị trường BĐS bị nguội lạnh. Theo CEO một ngân hàng, thị trường BĐS ấm lên đã giúp ngân hàng này xử lý nhanh TSBĐ ngoài mong đợi. Do vậy, việc giữ “ấm” thị trường BĐS có vai trò quan trọng đối với quá trình xử lý TSBĐ từ nợ xấu của các ngân hàng.
Tuy nhiên không thể phủ nhận là nhiều người vay lợi dụng cơ chế, sử dụng đòn bẩy quá cao, tiềm ẩn rủi ro cho bản thân và cả ngân hàng; đồng thời cũng khiến cho thị trường BĐS méo mó. Hơn thế, hiện cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng đa phần là ngắn hạn, trong khi các khoản vay BĐS lại có thời hạn khá dài, đặc biệt là các khoản cho vay BOT, BT giao thông. Điều đó có thể khiến các ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản. Bởi vậy, việc siết chặt kiểm soát là điều cần thiết.
Với động thái liên tục ban hành các văn bản nhắc nhở tín dụng BĐS, BOT, BT giao thông… của cả Chính phủ, NHNN, giới chuyên môn dự đoán tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trên sẽ bị siết. Song, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, không chỉ riêng BĐS mà NHNN kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro khác như chứng khoán, tiêu dùng và BOT. Như nói ở trên, kiểm soát không có nghĩa là cấm mà sẽ theo dõi vốn vào lĩnh vực này chặt chẽ hơn.
“Khi xem xét cho vay vào những lĩnh vực trên các ngân hàng phải rất thận trọng, nghiên cứu xem xét đánh giá, tìm DN thực sự có đủ năng lực trình độ quản lý kinh nghiệm. Với cách làm này, tôi nghĩ, lâu dài sẽ tìm được nhiều DN làm tốt, loại dần những DN không đủ năng lực. Thực tế, những DN năng lực kém đang bị loại dần”, TS. Hùng lưu ý thêm.
Còn đối với tín dụng tiêu dùng, hiện tại NHNN đang nghiên cứu, rà soát mẫu biểu làm sao có thể tách bạch giữa tín dụng kinh doanh BĐS và tiêu dùng. Từ đó, giám sát lại hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh không để tình trạng cho vay kinh doanh BĐS ẩn nấp cho vay tiêu dùng. Qua việc này, các ngân hàng cũng phải tăng trách nhiệm trong khâu thẩm định, chặt tay hơn khi cấp tín dụng vào BĐS để hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh.