|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dòng vốn vẫn âm thầm chảy vào thị trường bất động sản Đồng Nai

07:05 | 25/11/2020
Chia sẻ
Việc đầu tư Sân bay Long Thành và chủ trương phát triển TP phía Đông, cộng với hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông kết nối,... đang khiến cho thị trường bất động sản Đồng Nai trở nên sôi động hơn.

Theo thông tin từ Báo Đồng Nai, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được 422 dự án mới với tổng vốn đăng kí hơn 121.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực bất động sản đã có 158 dự án, chiếm tỉ trọng 39,5% trong tổng số các dự án cấp mới. 

Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt có 312 dự án khu dân cư với tổng diện tích 9.295 ha. Trong đó, có 219 dự án phải thu hồi đất trong năm nay với diện tích khoảng 5.981 ha. 

Ngoài ra, tỉnh này hiện có nhiều dự án khu dân cư đang được qui hoạch, triển khai. Đơn cử, từ đầu năm 2020 đến nay, Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án bất động sản có qui mô vốn lớn tại huyện Nhơn Trạch là dự án Khu dân cư tại xã Phú Hội (hơn 1.500 tỉ đồng) và dự án Khu dân cư xã Long Tân (hơn 1.000 tỉ đồng).

Hay gần đây nhất, UBND tỉnh này đã có quyết định phê duyệt qui hoạch xây dựng Khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ tại xã Vĩnh Thanh. Dự án có diện tích 2,74 ha; do CTCP Đầu tư Donal làm chủ đầu tư,...

Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều "ông lớn" trên thị trường bất động sản như Vingroup, FLC, Nam Long, Đất Xanh, Novaland, Hưng Thịnh, Kim Oanh,... cũng đua nhau đổ bộ về địa phương này.

Gần đây nhất, tháng 5/2020, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất đầu tư dự án Trung tâm thương mại và cao ốc căn hộ cao cấp Vincom tại Phường Hòa Bình (TP Biên Hòa) qui mô gần 1,7 ha. Doanh nghiệp dự kiến sẽ xây dựng 2 block chung cư cao khoảng 40 tầng, dân số khoảng 3.200 người. 

Trước đó, Tập đoàn FLC cũng đề xuất triển khai dự án Khu dân cư nông thôn mới, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí hồ Đa Tôn, huyện Tân Phú.

Cụ thể, dự án có qui mô dự kiến khoảng 1.332 ha, thuộc địa bàn 2 xã Thanh Sơn và Phú An, huyện Tân Phú. Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 786 ha, được lên ý tưởng phát triển khu quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, khu biệt thự, khu dân cư đô thị du lịch, công viên vui chơi giải trí.

Tháng 8/2019, CTCP Đầu tư Kinh doanh BĐS Hà An (thuộc Tập đoàn Đất Xanh) đã bỏ ra hơn 3.060 tỉ đồng để sở hữu khu đất 92 ha ở xã Long Đức (huyện Long Thành) nhằm đầu tư xây dựng khu dân cư Gem Sky World. Hiện doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng hạ tầng khu dân cư với nguồn vốn đầu tư xây dựng hơn 1.000 tỉ đồng. 

Cũng trong năm 2019, CTCP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi (thuộc Tập đoàn Kim Oanh) đã trúng đấu giá khu đất gần 50 ha ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) với giá gần 1.300 tỉ đồng để xây dựng khu dân cư.

Hay như Tập đoàn Amata (Thái Lan) cũng dự tính chi hơn 280 triệu USD để xây dựng thành phố thông minh tại huyện Long Thành. Dự án đang trong giai đoạn tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đòn bẩy hạ tầng

Dòng vốn vẫn âm thầm chảy vào thị trường bất động sản Đồng Nai  - Ảnh 1.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc đầu tư Sân bay Long Thành tại Đồng Nai và chủ trương phát triển TP phía Đông, cộng với hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông kết nối,... đã tạo nên làn sóng sôi động cho thị trường bất động sản các tỉnh Miền Đông Nam Bộ trong thời gian qua.

Trong đó, Đồng Nai được hưởng lợi trực tiếp nhờ vị trí tiếp giáp với phía Đông TP HCM, đồng thời là địa phương tập trung nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm quốc gia, kết nối vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.

Địa phương này hiện có các tuyến đường giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 51, tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng,...

Mới đây, tỉnh này đã có kiến nghị gửi Chính phủ về việc hỗ trợ nguồn vốn, sớm thực hiện đầu tư, xây dựng các tuyến đường cao tốc theo qui hoạch trên địa bàn tỉnh như Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Đà Lạt.

Đặc biệt, việc đầu tư sân bay Long Thành đã khiến Đồng Nai tăng trưởng phát triển các dự án đất nền; đồng thời đẩy giá đất tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam, nếu trong năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12 -14 triệu đồng/m2 thì ngay đầu năm 2020, giá đất bị đẩy mạnh lên khoảng 22 triệu đồng/m2 . 

Tuy nhiên, sau hàng loạt các biện pháp kiểm soát của chính quyền địa phương, cộng với khủng hoảng do dịch bệnh, giá đất hiện tại đã giảm còn khoảng 15 - 18 triệu đồng/m2.

Thực tế, khoảng hai năm trở lại đây, TP HCM có rất ít các dự án mới được phê duyệt. Những dự án từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn ở thủ tục pháp lí. Trong khi đó, thị trường bất động sản các khu vực lân cận TP HCM lại phát triển mạnh.

Theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D của DKRA, trong lúc thị trường TP HCM suy giảm thì thị trường các tỉnh giáp ranh lại phát triển trong thời gian vừa qua, chủ yếu nhờ hạ tầng các khu vực này phát triển hơn.

Đơn cử như ở phân khúc đất nền, quí III/2020, thị trường đón nhận hơn 4.200 nền từ các thị trường Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉ lệ tiêu thụ đạt trên 58%.

Hà Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.