Dòng vốn quốc tế đang chảy về đâu?
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ cách đây 1 thập niên đã để lại nhiều vết sẹo kinh tế và chính trị. Nó cũng đồng thời tái định hình dòng vốn chảy khắp thế giới. Vào năm 2007, dòng vốn xuyên biên giới cao gần gấp 3 lần dòng vốn của năm 2016, thậm chí khi nhà đầu tư mải mê đuổi theo các mức sinh lời cao và rót vốn vào các thị trường trong bối cảnh lãi suất ở mức cực thấp.
Các ngân hàng từng chứng kiến tương lai xán lạn trong hoạt động cho vay ở nước ngoài nhưng giờ chú tâm hơn đến thị trường trong nước. Kết quả là sự sụp đổ trong hoạt động cho vay ngân hàng xuyên biên giới - nguyên nhân chính khiến dòng chảy vốn quốc tế giảm mạnh. Trong xu hướng này, dẫn đầu là sự rút lui của các ngân hàng châu Âu.
Hiện ngày càng nhiều dòng vốn chảy xuyên biên giới nằm ở dưới dạng đầu tư trực tiếp dài hạn, có vẻ như là nhằm mục đích xây dựng nhà máy hoặc mua cổ phần ở những công ty thuộc các thị trường nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, sự tăng trưởng của dòng vốn FDI này đang phản ánh xu hướng không lành mạnh: doanh nghiệp tìm kiếm các mức thuế thấp hơn và cuộc đua giữa các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Ông Philip Lane, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland và Gian Maria Milesi-Ferretti, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc IMF, nhận xét trong một báo cáo gần đây của quỹ này rằng yếu tố chính đằng sau sự tăng trưởng FDI là dòng chảy đầu tư được ghi nhận ở các “trung tâm tài chính”, một cụm từ “tao nhã” ám chỉ những nước có mức thuế thấp như Ireland. “Nếu bạn nghĩ FDI đang rót vào Luxembourg để xây nhà máy ở đây thì bạn đã lầm rồi”, Maurice Obstfeld, chuyên gia kinh tế trưởng tại IMF, nhận xét.
IMF cũng bày tỏ mối lo ngại về những rủi ro trong hệ thống tài chính. “Những gì chúng ta đang chứng kiến là mức độ dòng vốn chảy vào và tốc độ tăng trưởng của nó có vẻ như bền vững nhưng không hàm ý rằng mọi thứ đều tốt đẹp”, Obstfeld nói.
Chưa quay về thời huy hoàng
Dòng vốn xuyên biên giới đã giảm mạnh so với thời điểm bắt đầu bùng nổ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đã có 4.300 tỉ USD luân chuyển khắp thế giới vào năm 2016, nhưng con số này chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh 12.400 tỉ USD của năm 2007. Nhưng không ai cho rằng việc quay trở về thời kỳ bong bóng ngày trước là một chuyện tốt lành.
Sự thống lĩnh của FDI
FDI và đầu tư vốn cổ phần hiện chiếm tỉ trọng lớn hơn trong dòng vốn quốc tế so với hoạt động cho vay ngân hàng. Nhưng diễn biến này có thể liên quan nhiều hơn đến các tập đoàn đa quốc gia đang theo đuổi các mức thuế thấp, thay vì đầu tư vào các nhà máy.
Doanh nghiệp ngần ngại
Dòng vốn FDI hoặc các khoản đầu tư mới do các tập đoàn thực hiện mỗi năm vẫn chưa bằng với thời điểm trước khủng hoảng. Theo dự báo của Liên hiệp Quốc, phải mất nhiều năm nữa mới có thể quay trở lại thời kỳ đỉnh cao.
Các nước phát triển thoái lui
Vốn FDI từ các nền kinh tế phát triển đã giảm đáng kể so với trước thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tỉ trọng của các nước phát triển trong FDI toàn cầu cũng giảm mạnh trong bối cảnh vai trò của Trung Quốc đang tăng lên, còn châu Âu và Mỹ thì thụt lùi.