Đồng USD mạnh đang đe dọa lợi nhuận của các công ty Mỹ
Một loạt công ty Mỹ đang phải đối mặt với một vấn đề mà họ không nghĩ sẽ gặp phải trong năm nay; đó là đồng USD tăng giá.
Hồi đầu năm 2023, nhiều nhà quan sát thị trường tin rằng đồng USD sẽ yếu đi trong năm 2024 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.
Nhưng hành động đó vẫn chưa xảy ra và chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chủ chốt, đã tăng 4% tính từ đầu năm tới nay. Khi tính chung trong ba năm qua, chỉ số này đã tăng khoảng 16%.
Trong khi những mức tăng đó phản ánh sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ, đồng USD tăng giá có thể là một vấn đề đối với một số công ty: đồng bạc xanh mạnh khiến các công ty đa quốc gia khó chuyển lợi nhuận nước ngoài sang USD hơn, đồng thời làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.
Các công ty đề phòng sức mạnh của đồng USD cũng phải dành nguồn lực cho các chiến lược phòng ngừa rủi ro, nhằm bù đắp những tác động của việc đồng tiền tăng giá đối với lợi nhuận của họ.
Tóm lại, ước tính từ bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc ngân hàng Bank of America (BofA Global Research) cho thấy đồng USD cứ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ làm giảm khoảng 3% thu nhập của các công ty thuộc nhóm chỉ số tổng hợp S&P 500.
Đà tăng giá của đồng USD đang nhận được từ sức mạnh kinh tế của Mỹ - điều đang làm xói mòn kỳ vọng về việc Fed có thể cắt giảm lãi suất sâu đến mức nào trong năm nay. Thị trường tương lai cho thấy các nhà đầu tư đang đặt cược sẽ sẽ giảm lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với sự báo hơn 150 điểm hồi đầu năm.
Kết quả là lợi suất trái phiếu ở Mỹ cao hơn lợi suất ở nhiều nền kinh tế khác, củng cố sức hấp dẫn của đồng USD so với các loại tiền tệ khác.
Sức mạnh của đồng USD trong quý gần nhất đến trong thời kỳ lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh. Theo công ty thu thập dữ liệu thị trường LSEG IBES, với hơn 80% các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả quý I/2024, các công ty đang trên đà đạt được mức tăng thu nhập 7,8% - cao hơn so với kỳ vọng 5,1% đưa ra hồi tháng 4.
Tuy nhiên, các công ty từ Apple Inc, IBM đến Procter & Gamble đều coi tình hình ngoại hối là một trở ngại đối với triển vọng kinh doanh của mình.
Không phải tất cả các công ty thuộc S&P 500 đều bị ảnh hưởng giống nhau trước sự biến động của đồng USD. Dữ liệu từ FactSet cho thấy, các lĩnh vực công nghệ thông tin, vật liệu và dịch vụ truyền thông đứng đầu danh sách có mức doanh thu quốc tế cao nhất, chiếm lần lượt 57%, 52% và 48% tổng doanh thu từ nước ngoài. Đây cũng là nhóm dễ bị ảnh hưởng từ đà tăng của đồng USD.
Tập đoàn 3M cho biết ngoại tệ tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận (đã qua điều chỉnh) tới 0,6 điểm phần trăm, cao hơn so với dự kiến. Apple cũng cho biết tác động tiêu cực từ ngoại hối ảnh hưởng gần 4 điểm phần trăm doanh thu hàng quý của mình.
Để ngăn chặn những biến động tỷ giá hối đoái tạo ra những ảnh hưởng lớn trong thu nhập, các doanh nghiệp sử dụng nhiều chiến lược phòng ngừa rủi ro khác nhau, bao gồm cả những chiến lược sử dụng hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
Một số công ty tư vấn về quản lý rủi ro ngoại hối cho doanh nghiệp ghi nhận sự gia tăng trong hoạt động phòng ngừa rủi ro vào những tuần gần đây.
Song thị trường tiền tệ trầm lắng khiến việc phòng ngừa rủi ro trở thành vấn đề ít khẩn cấp hơn đối với một số công ty ngay cả khi đồng USD tăng giá. Vào tháng 3, chỉ số biến động tiền tệ của ngân hàng Deutsche Bank đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Ông John Doyle, người đứng đầu bộ phận giao dịch và trao đổi tại công ty dịch vụ tài chính Monex USA, cho biết vào cuối quý đầu tiên, ông nhận thấy một số công ty tỏ ra không mấy quan tâm về mặt phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, trong tháng rưỡi qua, nhu cầu về phòng ngừa rủi ro đã gia tăng.
Các nhà phân tích tại BofA Global Research cho biết mặc dù họ tin rằng đồng USD cuối cùng sẽ suy yếu trong trung hạn, nhưng thời điểm điều đó xảy ra đã trở nên khó dự đoán hơn.