Dòng tiền thông minh 9/2: NĐT cá nhân mua ròng gần 1.065 tỷ đồng, tâm điểm ACB, VIC
Phiên giao dịch thứ 2 trong năm Nhâm Dần, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau phiên tăng mạnh hôm qua. Mở cửa trong sắc đỏ, sau đó chuyển sang trạng thái giằng co, xuyên suốt phiên VN-Index chủ yếu giao dịch xoay quanh vùng giá tham chiếu.
Theo quan sát, cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng tiền, thanh khoản rổ VN30 chiếm 45% giá trị giao dịch sàn HOSE. Đóng cửa, VN-Index dừng tại 1.500,1 điểm, tăng nhẹ 3,3 điểm, tương ứng 0,2% so với phiên giao dịch ngày hôm trước.
Tuy là phiên giao dịch tăng nhẹ, tuy nhiên số mã tăng điểm vẫn áp đảo số mã giảm giá với tỷ số 282/169. Nhóm phân bón, dệt may có phiên giao dịch khởi sắc và mức tăng vượt trội so với VN-Index. Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất trong ngày thuộc về hai nhóm thủy sản và thép với hàng loạt cổ phiếu tăng trần như ANV, CMX, IDI, VHC, HSG, NKG, POM, SMC.
Trong khi đó, họ bất động sản tiếp tục chứng kiến CEO, DIG, DRH và HDC giảm sàn, cổ phiếu trụ là VIC tiếp tục bị bán mạnh phiên thứ hai liên tiếp.
Tự doanh mua ròng phiên thứ ba liên tiếp
Trong phiên giao dịch vừa qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp đà mua ròng phiên thứ ba liên tiếp. Cụ thể, họ gom ròng 223,6 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 221,9 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tự doanh mua ròng 10/18 ngành với hai nhóm được mua ròng mạnh nhất là ngân hàng, công nghệ thông tin. Top mua ròng của tự doanh phiên hôm qua gồm TCB, FPT, ACB, MWG, E1VFVN30, PNJ, OCB, VPB, BWE, TPB.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản chịu áp lực bán lớn nhất từ khối tự doanh. Top các mã bị bán ròng gồm VNM, GAS, VHM, MSN, STB, FUEVFVND, ITA, NVL, HDB, DXG.
Tổ chức nội bán ròng hơn 940 tỷ đồng
Giao dịch trái chiều khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 941,6 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 982,9 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 8/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm cổ phiếu của các nhà băng. Top bán ròng có ACB, FLC, APH, TCB, NBB, HVN, E1VFVN30, HDB, DXS, MBB.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng & vật liệu. Danh mục Top10 mua ròng của khối này gồm VPB, CTD, PLX, HPG, REE, GEX, EIB, GAS, NKG, MSB.
NĐT cá nhân tập trung mua ròng ACB, VIC
Trong phiên VN-Index tiếp đà hồi phục, NĐT cá nhân trở lại xuống tiền nâng đỡ thị trường. Cụ thể, họ mua ròng 1.064,7 tỷ đồng, trong đó họ gom ròng khớp lệnh là 1.101,3 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 7/18 ngành, chủ yếu là ngành ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã ACB, VIC, FLC, VNM, APH, NBB, VCB, NKG, DXS, VHC. Trong đó lực cầu tại hai mã ACB và VIC bỏ xa các mã còn lại trong Top10 với giá trị vào ròng lần lượt là 646,2 tỷ và 309,6 tỷ đồng.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 11/18 ngành còn lại với áp lực bán tập trung tại cổ phiếu ngành bán lẻ, hàng cá nhân & gia dụng. Top bán ròng có KBC, CTD, DXG, MWG, FPT, PNJ, GMD, GAS, VPB.
Khối ngoại trở lại bán ròng gần 350 tỷ đồng
Về phía NĐT nước ngoài, họ đảo chiều bán ròng 347 tỷ đồng sau 5 phiên gom mua liên tiếp, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ xả ròng 340 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, du lịch và giải trí. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: KBC, DXG, CTG, NLG, GAS, VND, HSG, HCM, DGC, BCM.
Tại phía bên bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VIC, VNM, HPG, NKG, VHC, E1VFVN30, VRE, VPB, VHM.
Đáng ghi nhận nước ngoài bán ròng mạnh VIC phiên thứ hai liên tiếp. Theo thống kê của FiinTrade, ngoài quỹ Vietnam Enterprise Investments limited đang là cổ đông nước ngoài nắm giữ VIC (trừ ETF và cổ đông lớn), còn có KEB Hana Bank với tư cách là bên nhận ủy thác của Hanwha Vietnam Opportunity Private Fund 1 cũng vừa nhận 8.720.770 cổ phiếu phổ thông với giá chuyển đổi 94.381 đồng/cổ phiếu vào 27/1/2022.