|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 5/3: Tự doanh chuyển vị thế mua ròng, cùng NĐT cá nhân gom hơn 500 tỷ đồng phiên giảm sâu

07:59 | 05/03/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index giảm mạnh, khối tự doanh đảo chiều mua ròng 185 tỷ đồng, cùng với đó là NĐT cá nhân ghi nhận phiên mua ròng 334 tỷ đồng thứ 10 liên tiếp. Ngược lại, NĐT nước ngoài tiếp tục rút vốn khỏi thị trường, tuy nhiên tích cực gom cổ phiếu dầu khí như PLX, BSR.

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 334 tỷ đồng phiên thứ 10 phiên liên tiếp

Thị trường chứng khoán Việt Nam đảo chiều giảm sâu mặc dù có thời điểm VN-Index vượt mốc 1.190 điểm đầu phiên. Kết phiên, VN-Index giảm 18,43 điểm (1,55%) xuống 1.168,52 điểm, HNX-Index tăng 0,66% lên 255,77 điểm, UPCoM-Index giảm 0,18% xuống 77,96 điểm.

NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng 334 tỷ đồng ngày, trong đó 98 tỷ đồng là mua ròng qua khớp lệnh. Đây đã là phiên mua ròng thứ 10 liên tục của nhóm NĐT này. Trong 10 ngày, họ mua ròng 7.267 tỷ đồng bao gồm 6.568 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Mã được mua ròng lớn nhất phiên ngày hôm nay vẫn là VNM, đối trọng với lực bán ra từ phía nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước cũng như tự doanh. Đây là phiên mua ròng VNM thứ 14 của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên điểm đáng ghi nhận ngày hôm nay là lực bán ròng của nước ngoài mã VNM đã giảm mạnh xuống dưới 100 tỷ/phiên và nhà đầu tư cá nhân cũng giảm mua ròng tương ứng.

Các mã khác được họ mua vào nhiều nhất trong ngày là VCB, VRE, POW, SSI và BID. Phía bán ròng họ bán GAS, TCB, HDG, MBB và VIC.

NĐT tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng 284 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 55 tỷ đồng. Nhóm này chủ yếu bán ròng ngành dầu khí, tài nguyên cơ bản trong khi mua vào cổ phiếu bất động sản, thực phẩm và đồ uống.

Khối tự doanh chuyển vị thế mua ròng 185 tỷ đồng phiên giảm sâu

Cùng chiều NĐT cá nhân, khối tự doanh đảo chiều mua ròng 185 tỷ đồng với khối lượng 443.100 đơn vị. Theo đó trong phiên, khối này đã mua vào 480 tỷ đồng, áp đảo chiều bán ra 295 tỷ đồng.

Dòng tiền thông minh 5/3: Tự doanh chuyển vị thế mua ròng, cùng NĐT cá nhân gom hơn 500 tỷ đồng phiên giảm sâu - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Top10 mã thu hút dòng vốn tự doanh, cổ phiếu VIC ghi nhận giá trị mua ròng cao nhất 84,3 tỷ đồng, theo sau là GAS (69 tỷ đồng) và FPT (28 tỷ đồng). Khối tự doanh còn mua ròng MWG và TCB lần lượt 18 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng. Một số mã cùng chiều mua ròng như chứng chỉ quỹ FUESSVFL, STB, VHC, NVL, VCB.

Top10 mã bị khối này bán ròng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND chịu áp lực lớn nhất với giá trị 55 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn xả VRE (12 tỷ đồng), IJC (9 tỷ đồng). Mặt khác, dòng vốn tự doanh rút khỏi ACB, E1VFVN30, DCM, CTG, DPM, NCT, HCM

NĐT nước ngoài tích cực rót vốn vào cổ phiếu dầu khí

NĐT nước ngoài bán ròng liên tiếp phiên thứ 10 nhưng đà bán ròng đã giảm một nửa. Cụ thể, giá trị bán ròng ngày hôm qua của khối này đạt 205 tỷ đồng, trong đó 257 tỷ đồng bán ròng qua khớp lệnh, giảm 49% so với mức bán ròng bình quân 5 phiên gần nhất.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 242 tỷ đồng trên hai sàn HOSE và HNX nhưng đảo chiều mua ròng tới 43 tỷ đồng trên thị trường UPCoM

NĐT nước ngoài vẫn bán ròng tập trung nhóm thực phẩm và đồ uống (VNM 75 tỷ đồng), ngân hàng (VCB, BID, CTG, HDB, STB).

Điểm tích cực là khối ngoại đã mua ròng nhiều ngành hơn. Ngành được mua ròng mạnh nhất là dầu khí, hóa chất và tài nguyên cơ bản. Top mua ròng của NĐT nước ngoài gồm PLX, BSR, DPM, GVR và FUEVFVND.

Trong chuỗi bán ròng 10 phiên liên tiếp, nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 4.601 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Lãnh đạo và nội bộ doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu ra sao?

Thông tin giao dịch đáng chú ý trong phiên vừa qua, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Chứng khoán SSI (Mã: SSI) vừa thông tin về việc chuyển nhượng hơn 6,9 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Đầu tư NDH.

Sau giao dịch, ông Nguyễn Duy Hưng chỉ còn nắm giữ gần 3,3 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 0,545% vốn điều lệ của công ty. Ngược lại, Đầu tư NDH nâng số lượng cổ phần sở hữu lên hơn 62,8 triệu đơn vị, tương đương 10,42% vốn điều lệ của Chứng khoán SSI.

Nhóm quỹ Dragon Capital vừa công bố thông tin thông qua quỹ Amersham Industries Limited mua 1 triệu cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc vào ngày 2/3.

Theo đó, Dragon Capital nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 47,1 triệu cổ phiếu KBC, tương đương 10,02% vốn điều lệ trong khi Amersham Industries Limited tăng tỷ lệ sở hữu lên 2,85%.

Thu Thảo