|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 25/10: NĐT cá nhân có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp, tập trung gom cổ phiếu BĐS

06:41 | 25/10/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index tạm ngắt mạch bán ròng, NĐT cá nhân tiếp đà mua ròng 219,9 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 283,2 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Mặc dù quy mô giải ngân thu hẹp đáng kể so với phiên trước, nhưng khối này đã có chuỗi mua ròng 5 phiên liên tiếp.

Thị trường trong nước phục hồi trong phiên cuối tuần, cắt mạch giảm 3 phiên liên tiếp. Dòng tiền vào nhóm VN30 xuống thấp trong khi nhóm cổ phiếu midcap và smallcap tiếp tục duy trì đà tăng. Các cổ phiếu bất động sản, bất động sản khu công nghiệp,… nổi bật trong phiên này với nhiều cổ phiếu tăng mạnh.

Đóng cửa phiên thứ Sáu, VN-Index tăng 0,32% lên 1.389,24 điểm. Nhóm cổ phiếu bluechips tuần này giảm 4 phiên liên tiếp là nguyên nhân kìm hãm thị trường chung. Ngược lại, nhóm midcap và smallcap ngược dòng thị trường để lập các đỉnh cao mới. 

Về thanh khoản, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 26.772 tỷ đồng, tăng 7,4% so với phiên liền trước. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 21.376 tỷ đồng. Theo quan sát, dòng tiền vẫn tiếp tục xoay vòng với tỷ trọng phân bổ tăng vào vào nhóm bất động sản, xây dựng & vật liệu, chứng khoán, trong khi giảm ở nhóm thép, ngân hàng, dầu khí.

Trong khi cổ phiếu nhóm bất động sản vẫn say trong 'bữa tiệc' lớn thì nhóm xây dựng & vật liệu nổi lên và lọt Top các ngành tăng mạnh trong phiên thứ Sáu. Các cổ phiếu giao dịch mạnh nhất ngày gồm PC1, HBC, FCN, CII, HT1, C4G, VGC, S99, LCG, HHV, trong số này chỉ duy nhất PC1 điều chỉnh giảm, nhóm còn lại tăng mạnh.

Theo nhóm phân tích của Fiinpro, giá cổ phiếu xây dựng & vật liệu tăng mạnh với kỳ vọng giá cổ phiếu được hưởng lợi do xu thế đẩy mạnh đầu tư công (hạ tầng). 

Dòng tiền thông minh 25/10: NĐT cá nhân có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp, tập trung gom cổ phiếu BĐS - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường trong tuần 18 - 22/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tự doanh chủ yếu bán ròng nhóm thép, bất động sản

Trong phiên thứ Sáu cuối tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp đà bán ròng, nhưng quy mô đã giảm đáng kể so với phiên đáo hạn phái sinh. Cụ thể, tự doanh rút ròng 134 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng 63,6 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Trong đó, khối tự doanh giải ngân vào 9/18 ngành với nhóm được mua ròng mạnh nhất là hóa chất, ngân hàng. Top mua ròng của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm NTL, DPM, PVD, FPT, GMD, VPB, ACB, VNG, GIL và TCB.

Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top cổ phiếu bị bán ròng gồm SSI, HPG, DXG, ITC, DXS, TV2, E1VFVN30, VRE, VIC, FUEVFVND.

Dòng tiền thông minh 25/10: NĐT cá nhân có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp, tập trung gom cổ phiếu BĐS - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 22/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước chuyển mua ròng

Giao dịch trái chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 128 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 68,1 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 8/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm hóa chất. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất có DCM, BCM, POW, SSI, VPB, TVB, NLG, REE, HDC, VPG.

Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các nhà băng. Top mua ròng có TCB, APH, SHB, HSG, FPT, VPI, MBB, KBC, HPG, BID.

Cá nhân trong nước mua ròng gần 220 tỷ đồng, tập trung gom cổ phiếu BĐS

Trong phiên VN-Index tạm ngắt mạch bán ròng, NĐT cá nhân tiếp đà mua ròng 219,9 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 283,2 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Mặc dù quy mô giải ngân thu hẹp đáng kể so với phiên trước, nhưng khối này đã có chuỗi mua ròng 5 phiên liên tiếp.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 9/18 ngành, chủ yếu gom cổ phiếu ngành bất động sản. Thống kê từ Fiinpro cho thấy cổ phiếu của các doanh nghiệp địa tiếp tục thu hút được dòng tiền trong phiên cuối tuần, đặc biệt là nhóm bất động sản phía Nam.

Top cổ phiếu có giao dịch lớn nhất trong ngày gồm PDR, KBC, DIG, VHM, DXG, NLG, IJC, NVL, IDC, SCR. Toàn bộ nhóm này tăng điểm, trong đó chỉ có VHM là vốn hóa lớn.

Trở lại với giao dịch của NĐT cá nhân, danh mục mua ròng của nhóm này tập trung tại các mã NLG, PAN, DXG, HPG, VRE, SSI, DPM, DCM, HDB, NKG.

Phía bán ròng khớp lệnh, cá nhân trong nước bán ròng 9/18 ngành còn lại với áp lực bán tập trung tại nhóm thực phẩm & đồ uống, ngân hàng. Top bán ròng có VNM, VHM, PDR, TCB, VHC, APH, NTL, DHC, FPT.

Dòng tiền thông minh 25/10: NĐT cá nhân có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp, tập trung gom cổ phiếu BĐS - Ảnh 3.

Top10 mã NĐT cá nhân mua/bán ròng phiên 22/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

HPG không còn dẫn đầu danh mục bán ròng của khối ngoại

Về phía NĐT ngước ngoài, họ bán ròng 262,2 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 287,8 tỷ đồng. Như vậy, khối này đã có tuần mua ròng 5 phiên liên tiếp sau phiên bán ròng nhẹ cuối tuần trước.

Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm thực phẩm & đồ uống, điện, nước & xăng dầu khí đốt. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VNM, PDR, VHM, VHC, MBB, DHC, KDH, GAS, DGC, SZC.

Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại xả mạnh nhất cổ phiếu bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: NLG, PAN, DPM, VRE, DXG, HPG, HDB, SSI, PLX, KBC.

Thu Thảo

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.