Dòng tiền thông minh (24/6): Tự doanh CTCK mua ròng phiên cuối giao dịch cơ cấu danh mục ETF, nhóm BĐS hút tiền
Thị trường hồi phục áp sát mốc 960 điểm, dòng tiền thông minh tuần qua tìm đến ngành bất động sản và công nghiệp
Thị trường chứng khoán tuần đáo hạn HĐTL tháng 6 (17 – 21/6) hồi phục nhẹ trên mốc 950 điểm và áp sát ngưỡng 960 điểm nhờ tâm lý thị trường trong nước và khu vực có sự cải thiện. Dòng tiền tuần qua tập trung vào ngành bất động sản và công nghiệp.
Theo chứng khoán BSC, sự tích cực của thị trường phần lớn nhờ tín hiệu từ FED về khả năng sẵn sàng giảm lãi suất trong năm nay để đối phó với rủi ro của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cải thiện khi các quỹ ETFs tiến hành cơ cấu danh mục quý II.
Toàn thị trường ghi nhận số ngành tăng điểm áp đảo (11/18 ngành tăng điểm). Cụ thể, top ba ngành tăng điểm gồm dầu khí (3,14%), bán lẻ (2,54%) và công nghệ thông tin (2,42%) với các mã tiêu biểu như PVD, GAS, MWG, FPT… đều ghi nhận sự tích cực trong tuần. Trong khi đó, YEG, DRC, VIC hay VHM là những cổ phiếu trong ba nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất. Trong đó có ngành truyền thông (5,23%), ô tô và phụ tùng (3,94%), bất động sản (1,21%).
Trong tuần này (24 – 28/6), tâm điểm là rủi ro xung đột quân sự Mỹ - Iran và hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ sẽ có cuộc đối thoại về thương mại bên lề cuộc họp G20. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý diễn biến phức tạp của giá dầu trước hoạt động gia tăng căng thẳng tại vùng Vịnh. Ngoài ra, một số công ty niêm yết dự kiến công bố KQKD quý II sơ bộ trong tuần.
Khối tự doanh mua ròng nhẹ 4,1 tỉ đồng phiên cuối tuần nhưng tập trung bán ròng CCQ
Thống kê giao dịch trong phiên cuối tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 4,1 tỉ đồng, tuy nhiên khối lượng bán ròng 670.533 đơn vị.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro
Top10 mã được mua vào nhiều nhất, dẫn đầu là VPB (6,01 tỉ đồng). Kế đến là các cổ phiếu TCB (5,44 tỉ đồng), VHM (5,35 tỉ đồng), EIB (4,87 tỉ đồng) và VIC (3,25 tỉ đồng). Cùng với đó, khối tự doanh còn mua vào trên 1 tỉ đồng các mã VCB, HPG, chứng chỉ quỹ E1VFVN30, VNM và MWG.
Diễn biến trái chiều đáng chú ý, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 bị khối này bán ra 16,97 tỉ đồng. Tại giao dịch cổ phiếu, các mã ghi nhận giá trị bán thấp hơn đáng kể. Cụ thể, VPB bị bán ra 7,79 tỉ đồng, tiếp đến là POW (3,08 tỉ đồng), FPT (2,65 tỉ đồng), HPG (2,54 tỉ đồng) và TCB (2 tỉ đồng). Mặt khác, khối tự doanh còn tạo áp lực áp lên DHC, VHM, MSN và D2D.
Khối ngoại bán ròng hơn 351 tỉ đồng trên hai sàn phiên cuối tuần, 'xả' mạnh STB
Trong phiên giao dịch phiên cuối tuần, hoạt động bán ròng của khối ngoại diễn ra mạnh mẽ trên HOSE, toàn thị trường ghi nhận giá trị bán ròng gần 350 tỉ đồng.
Cụ thể, khối ngoại bán ròng 351,2 tỉ đồng với khối lượng 20,22 triệu đơn vị trên HOSE, chủ yếu 'xả' 11,4 triệu cổ phiếu STB, tương đương giá trị bán ròng 130,8 tỉ đồng. Ngoài ra, khối này cũng bán ròng DPM (90,78 tỉ đồng), theo sau là NVL (47,21 tỉ đồng), HNG (44,49 tỉ đồng). Ngược lại, cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là POW (85,5 tỉ đồng), theo sau có BVH (19,1 tỉ đồng), HPG (18,5 tỉ đồng), VNM (15,8 tỉ đồng). Riêng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 có giá trị mua ròng 15,61 tỉ đồng.
Hoạt động giao dịch ảm đạm hơn trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 241 triệu đồng với khối lượng 40.761 đơn vị. Khối ngoại mua ròng chủ yếu các mã như PVS (1,26 tỉ đồng), DGC (746 triệu đồng), BCC (536 triệu đồng). Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng cổ phiếu CEO (1,72 tỉ đồng), ngoài ra còn có DBC (488 triệu đồng), PMC (298 triệu đồng) và PTI (195 triệu đồng).
Duy nhất trên thị trường UPCoM còn ghi nhận giá trị mua ròng 5,87 tỉ đồng với khối lượng 9.300 đơn vị. Nổi bật là, cổ phiếu ACV được mua ròng nhiều nhất (6,4 tỉ đồng), theo sau là QNS ( 1,17 tỉ đồng). Trong khi đó, cổ phiếu BSR và VEA bị bán ròng lần lượt 1,56 tỉ đồng và 1,2 tỉ đồng.
Mẹ Thành viên HĐQT DRH Holdings đăng ký mua cổ phiếu, muốn trở thành cổ đông lớn
Thống kê đăng ký giao dịch trên hai sàn phiên hôm qua, lãnh đạp và người (tổ chức) có liên quan đăng ký mua các cổ phiếu PAC, BMI và DRH.
Thống kê đăng ký giao dịch phiên 21/7. Nguồn: Ánh Hường tổng hợp
Về thông tin nổi bật, bà Trương Thị Lan, mẹ ông Dương Ngọc Hải – Thành viên HĐQT CTCP DRH Holdings (Mã: DRH) muốn mua hơn 5,82 triệu cổ phiếu DRH để đầu tư trong thời gian từ 26/6 đến 25/7 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Được biết, bà Lan đang sở hữu 175.350 cổ phần công ty, tương ứng 0,29% vốn điều lệ. Nếu lần giao dịch này thành công, bà Lan dự kiến tăng tỉ lệ lệ sở hữu tại công ty lên 9,84% vốn điều lệ (6 triệu cổ phiếu DRH) và trở thành cổ đông lớn của công ty. Thông tin thêm, ông Dương Ngọc Hải hiện không nắm giữ cổ phần nào của DRH Holdings.