|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 22/7: Tự doanh, tổ chức nội cùng khối ngoại rút ròng 1.850 tỷ đồng, tập trung nhóm ngân hàng

08:39 | 22/07/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index giảm nhẹ, NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất với giá trị vào ròng hơn 1.800 tỷ đồng, bất chấp đà bán ròng của tự doanh, tổ chức trong nước và khối ngoại.

VN-Index mở cửa với sắc xanh nhưng suy yếu dần và điều chỉnh nhẹ trong phiên chiều. Chỉ số đóng cửa giảm 0,2%, dừng ở mốc 1.270,79 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 188/171.

Dòng tiền đầu tư suy yếu khi chỉ có 7/19 nhóm ngành vận động khả quan. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh sàn HOSE, tập trung rút vốn khỏi cổ phiếu VIC.

Thanh khoản của thị trường tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp với giá trị giao dịch trên HOSE đạt 15.699 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 17.886 tỷ đồng, giảm 14,4% so với phiên liền trước. 

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tiếp tục tăng ở nhóm thép, chứng khoán, giảm ở ngân hàng, hóa chất, tuy nhiên cả 4 ngành này đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Tự doanh và các tổ chức trong nước xả hơn 400 tỷ đồng phiên thị trường điều chỉnh

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường, khối tự doanh tiếp tục bán ròng 171 tỷ đồng phiên VN-Index giảm nhẹ. Trong đó, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 153 tỷ đồng.

Khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng chủ yếu ngành ngân hàng, đây là phiên bán ròng cổ phiếu ngân hàng thứ hai liên tiếp của khối này.

Tại phía bán ròng, cổ phiếu chịu áp lực rút vốn lớn nhất là FPT với 32,8 tỷ đồng, theo sau là VPB (20,7 tỷ đồng), VIC (17,1 tỷ đồng), ACB (16,8 tỷ đồng), HDG (11 tỷ đồng) và TCB (10,8 tỷ đồng). Dòng tiền tự doanh còn rút khỏi các mã PNJ, ELC và MBB với giá trị dưới 10 tỷ đồng.

Diễn biến trái chiều, khối tự doanh mua ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND (11,3 tỷ đồng) và VHM (10 tỷ đồng). Ngoài ra, các mã cùng chiều ghi nhận giá trị mua ròng dưới 10 tỷ đồng còn có KBC, DIG, NT2, DCM, DBC, VCI...

Dòng tiền thông minh 22/7: Tự doanh, tổ chức nội cùng khối ngoại rút ròng 1.850 tỷ đồng, tập trung xả cp ngân hàng - Ảnh 1.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cùng chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước chuyển bán ròng 230 tỷ đồng, trong đó họ rút ròng 226 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng 5/18 ngành, chủ yếu là hóa chất. Top cổ phiếu được nhóm này gom ròng có OCB, ACB, DXG, MSN, DPM, CII, SSB, BWE, GMD, SZC.

Trong khi đó, họ bán ròng 11/18 ngành còn lại, tập trung rút vốn khỏi nhóm ngân hàng, công nghệ thông tin. Top cổ phiếu bị bán ròng có TCB, HPG, FPT, VNM, VIC, NVL, MBB, MWG, VCB, HDB.

Khối ngoại bán ròng nghìn tỷ đồng, chủ yếu giao dịch thỏa thuận VIC

NĐT nước ngoài bán ròng mạnh 1.451 tỷ, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 188 tỷ đồng.

Giao dịch tạo vị thế bán ròng mạnh của nước ngoài là giao dịch bán thỏa thuận 11,46 triệu cổ phiếu VIC với giá 109.500 đồng/cp, cao hơn giá đóng cửa trên thị trường 5,3%, tương đương mức bán ròng 1.254,4 tỷ đồng. Nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên mua đối ứng bằng 7 lệnh thỏa thuận.

Mua ròng khớp lệnh chính của khối ngoại là nhóm bất động sản, tài nguyên cơ bản. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VHM, VRE, HSG, HPG, VCB, VJC, DGW, VCG, GEX, DXG. Trong đó, DGW là cổ phiếu mới xuất hiện trong top mua ròng, mã này đóng cửa tăng trần bất chấp xu hướng giảm của thị trường chung.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ bán nhiều nhất là nhóm ngân hàng. Top bán ròng theo thứ tự các mã sau MSB, CTG, HDB, STB, KDH, VCI, LPB, HCM, SSI, FUEVFV, GAS.

Như vậy, lại có sự thay đổi vị thế của NĐT nước ngoài trong ngành bất động sản, họ đã chuyển sang vị thế mua ròng ngành này sau khi bán ròng phiên trước. Điểm đáng chú ý là họ quay lại mua ròng mạnh hai mã họ Vingroup trong khi bán ròng VIC qua thỏa thuận.

NĐT cá nhân chuyển mua ròng hơn 1.800 tỷ đồng, tâm điểm nhóm ngân hàng

NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất trong phiên hôm qua. Trong đó, họ mua ròng 1.852 tỷ đồng, tính riêng giá trị khớp lệnh là 566 tỷ đồng.

Về giao dịch cụ thể, nhóm này mua ròng 9/18 ngành, tập trung vào cổ phiếu ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm MSB, CTG, TCB, FPT, HDB, STB, VIC, MWG, VNM, KDH.

Họ bán ròng 9/18, chủ yếu là ngành bất động sản. Top bán ròng có VHM, VRE, OCB, HSG, ACB, DXG, KBC, MSN, DGC, DGW. Top mua bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là đối ứng với nước ngoài. Tuy nhiên họ cũng mua bán đối ứng với tổ chức trong nước và tự doanh.

Thu Thảo

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.