|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 22/3: NĐT cá nhân tiếp tục đóng vai trò đỡ chỉ số với lực mua ròng khớp lệnh 1.600 tỷ đồng

08:07 | 22/03/2021
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền chảy mạnh về nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, NĐT cá nhân tiếp tục là lực đỡ chủ đạo của VN-Index với lực mua ròng khớp lệnh hơn 1.600 tỷ đồng. Trong khi đó, khối tự doanh và NĐT nước ngoài bán ròng gây áp lực giảm điểm lên thị trường.

NĐT cá nhân chưa dừng mua ròng, tiếp tục rót thêm 1.270 tỷ đồng

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index điều chỉnh giảm 0,57%, đóng cửa ở mức 1.194,05 điểm, giá trị giao dịch đạt 21.110 tỷ đồng tăng 12% so với phiên liền trước. Độ rộng thị trường thu hẹp với tỷ lệ cổ phiếu tăng điểm/giảm điểm là 193/251.

Đáng chú ý, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa (VNMID) tăng mạnh phiên cuối tuần, tỉ trọng giá trị giao dịch của nhóm này tăng 10% so với phiên liền trước và tăng 9% so với trung bình năm.

Top 25/70 cổ phiếu nhóm MIDCAP đã chiếm tỉ trọng giao dịch 80% toàn nhóm, trong đó dòng tiền vào mạnh nhất KBC, PVD, VND, HNG, DXG.

Trong các bên tham gia thị trường, nhà đầu tư cá nhân là lực đỡ chủ đạo của thị trường, họ mua ròng miệt mài 21 phiên liên tiếp với tổng số mua ròng trên sàn HOSE đạt 15.034 tỷ đồng.

Ngày hôm nay họ mua ròng 1.270 tỷ đồng trong đó 1.604 tỷ là mua ròng qua khớp lệnh. Họ mua ròng mạnh nhất nhóm bất động sản (NVL, VHM, KBC), thực phẩm - đồ uống (VNM, MSN) và ngân hàng (VCB, CTG, VPB, STB).

Phía bán ròng, NĐT cá nhân bán ròng các mã DXG, DRC, FLC, VND và PC1 với giá trị ròng từ 31 đến 51 tỷ đồng.

Tự doanh bán ròng 208 tỷ đồng, tập trung KBC

Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này bán ròng 208 tỷ đồng với khối lượng 6,8 triệu đơn vị. Hoạt động bán ra của khối tự doanh phiên cuối tuần áp đảo chiều mua vào rõ rệt với giá trị tương ứng 479 tỷ đồng/272 tỷ đồng.

Dòng tiền thông minh 22/3: NĐT cá nhân tiếp tục đóng vai trò đỡ chỉ số với lực mua ròng khớp lệnh 1.600 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Top10 cổ phiếu chịu áp lực bán ròng, khối tự doanh tập trung xả KBC (68 tỷ đồng), theo sau là FPT (31 tỷ đồng) và SBT (29 tỷ đồng). Mặt khác, dòng vốn tự doanh rút khỏi cổ phiếu TCB (19 tỷ đồng), VHM (18 tỷ đồng), DGC (13 tỷ đồng). Hai cổ phiếu còn lại trong top10 bán ròng là HNG và HDG ghi nhận giá trị lần lượt 12 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, khối tự doanh bán ròng mã E1VFVN30 (19 tỷ đồng) và FUEVFVND (15 tỷ đồng).

Top10 mã thu hút dòng vốn của khối này, tâm điểm là cổ phiếu GEX với 24,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh còn mua ròng mạnh NVL (21 tỷ đồng) và OCB (10 tỷ đồng). Cùng chiều mua ròng, các mã ghi nhận giá trị dưới 10 tỷ đồng có SSI, VND, ACB, NT2, HPG, STB và VCB.

NĐT tổ chức trong nước mua ròng phiên thứ hai trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng

Về phía NĐT tổ chức trong nước, họ mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp với giá trị 59 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 101 tỷ đồng.

Trong đó, top mua ròng là ngành bảo hiểm (BVH, ô tô và phụ tùng (TCH), dịch vụ tài chính (SSI). Top bán ròng của nhóm này vẫn là thực phẩm đồ uống (HNG), ngân hàng (VPB, MBB, STB, OCB, TCB, TPB, HDB) và dầu khí (PLX).

Ngược lại, NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng phiên thứ 21 liên tiếp với giá trị 1.111 tỷ đồng trong đó 1.365 tỷ đồng bán ròng qua khớp lệnh.

Trong chuỗi bán ròng 21 phiên liên tiếp, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 11.780 tỷ đồng trên sàn HOSE và được nhà đầu tư cá nhân trong nước hấp thụ chủ yếu.

Hôm 19/3 là ngày các quỹ ETFs giao dịch tái cơ cấu danh mục, nên top bán ròng rải rác chủ yếu là các mã VN30. Các cổ phiếu NVL, VRE, VHM nổi lên top 3 bán ròng, sau đó mới đến hai cái tên quen thuộc gần đây POW và VNM. Phía mua ròng, NĐT nước ngoài mua VCI, VND, VIC, MBB, và DXG.

Tính từ đầu tháng 3, VNM, POW, CTG, HPG, VCB là 5 cổ phiếu được nước ngoài bán ròng mạnh nhất.

Thu Thảo