Dòng tiền thông minh 22/3: NĐT cá nhân nâng quy mô bán ròng lên gần 1.400 tỷ đồng, tâm điểm xả HPG, FLC
Sau một tuần đi ngang với xu hướng tích lũy, VN-Index mở phiên giao dịch đầu tuần ngay trong vùng xanh. Xuyên suốt phiên, đà tăng được giữ vững và tăng tốc mạnh vào phiên chiều với trợ lực chính đến từ nhóm bất động sản. Nhóm địa ốc tăng tốc đã giúp VN-Index có phiên tăng mạnh nhất kể từ sau Tết âm lịch.
Kết thúc phiên hôm qua, VN-Index đóng cửa tại 1.494,9 điểm, tăng 25,8 điểm, tương ứng 1,7% so với phiên giao dịch ngày hôm trước.
Theo quan sát, nhóm bất động sản dẫn sóng khi gần như tất cả các mã trong nhóm này, từ penny đến bluechip, đều bùng nổ trong phiên hôm nay với NVL, PDR, DXG, DIG, HQC, LDG đều kịch trần, hay KDH (+4,5%), VHM (+3,9%) hoặc NLG (+6,6%).
Sức tăng từ nhóm bất động sản lan tỏa đến khắp các nhóm ngành còn lại đã giúp cho VN-Index ghi nhận tới 326 mã tăng giá so với 113 mã giảm giá.
Tổ chức trong nước mua ròng hơn 290 tỷ đồng, tâm điểm cp BĐS
Trong phiên vừa qua, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) mua ròng 290,3 tỷ đồng, đánh dấu phiên rút vốn thứ hai liên tiếp. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 748,6 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tổ chức nội bán ròng 10/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm dịch vụ tài chính. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất có VIX, DXG, SSI, SCR, DXS, KHG, HHV, KOS, BVH, FUEVFVND.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu bất động sản. Danh mục Top10 mua ròng của khối này gồm FLC, HPG, DGC, APH, GAS, GEX, STB, VPB, GMD, MSN.
Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản đã có phiên tăng bùng nổ cả về chỉ số giá ngành và thanh khoản. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp dòng tiền đổ mạnh vào nhóm địa ốc. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm này đã tăng lên 31,36%, gấp hơn 2 lần tỷ trọng giá trị giao dịch của chính nó 6 phiên trước đây tại 15,3%.
Dòng tiền tập trung vào các mã NLG, DXG, DIG, NVL, CEO, PDR, FLC, VHM, IDC, SCR, VIC, LDG, HQC. Điểm tích cực là dòng tiền đã vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VIC, NVL chứ không chỉ tập trung nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, Top cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất vẫn thuộc về nhóm vốn hóa nhỏ như IDJ, DIG, PDR, HQC, DXG.
NĐT cá nhân nâng quy mô bán ròng lên gần 1.400 tỷ đồng
Trong phiên VN-Index bứt phá mạnh mẽ nhờ xu hướng tăng đồng thuận, giao dịch của NĐT cá nhân không còn là điểm sáng khi họ nâng quy mô xả ròng lên 1.392 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 1.701 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 3/18 ngành, chủ yếu là ngành bảo hiểm. Dòng bảo hiểm đã có phiên giao dịch tích cực với chỉ số tăng 3,79% là nhóm ngành cấp 2 tăng mạnh nhất ngày hôm qua.
Trong 5 cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất của ngành gồm BVH, BMI, MIG PVI, BIC, có 2 mã tăng kịch trần là MIG và BIC, các mã khác tăng trên 2,5%.
Trở lại với giao dịch của các cá nhân trong nước, Top mua ròng của nhóm này tập trung tại các cổ phiếu VIX, SCR, KOS, HHV, KHG, PTB, VJC, SAB, LPB, VSC.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 15/18 ngành còn lại với áp lực bán tập trung tại cổ phiếu ngân hàng, bất động sản. Top bán ròng có HPG, FLC, DGC, GEX, STB, APH, PNJ, GMD, VRE.
NĐT nước ngoài mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng phiên tăng mạnh
Về phía NĐT nước ngoài, họ trở lại mua ròng nâng đỡ thị trường với quy mô gom ròng đạt 1.101 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 952 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý trong phiên vừa qua là nước ngoài mua ròng do áp lực bán giảm mạnh trong khi lực mua vẫn giữ ở mức trung bình một tuần gần đây.
Trong phiên đầu tuần nước ngoài bán tổng cộng 608 tỷ đồng, đây là mức bán thấp nhất kể từ đầu năm 2022 và chỉ bằng 27% giá trị bán trung bình 5 phiên trước đó.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm bất động sản, ngân hàng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã GEX, VRE, VNM, STB, PNJ, SHB, VHM, GMD, VCB, SSI.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT nước ngoài xả mạnh nhất cổ phiếu bảo hiểm. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: SAB, BID, MIG, VJC, OCB, DHC, KDC, PLX, VSC.