Dòng tiền thông minh (20/5): Tự doanh CTCK tiếp tục ‘gom’ hơn 25 tỉ đồng phiên cuối tuần, khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ 10 tỉ đồng trên HOSE
Thị trường tăng điểm trên diện rộng, dòng tiền tuần qua tập trung ngành dầu khí và bảo hiểm
Thị trường chứng khoán tuần qua (13 – 17/5) ổn định dần sau hiệu ứng từ cuộc trả đũa Mỹ -Trung. VN-Index hồi phục với thanh khoản cải thiện và tiếp cận ngưỡng 980 điểm. Ba trong 14 ngành tăng điểm là động lực chính cho thị trường gồm ngành dầu khí tăng 5,9%, ngành bảo hiểm tăng 5,59% và ngành điện, nước và xăng dầu tăng 4,01%. Các mã tăng giá tiêu biểu như BVH, PVD, BMI, POW, NT2.
Trong khi đó, ngành truyền thông, ngành tài nguyên cơ bản và ngành y tế lần lượt giảm 5,13%, 4,06% và 0,77% là nguyên nhân chính kìm hãm sự hồi phục của thị trường. Các mã giảm mạnh có YEG, PNC, HPG, POM, DHG.
Theo chứng khoán BSC, dù tâm lý thị trường khối nội bình tĩnh hơn sau diễn biến bất ngờ của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhưng dòng vốn ngoại liên tục rút mạnh khỏi thị trường khi tâm lý cẩn trọng chi phối nhà đầu tư nước ngoài tạo áp lực lên chỉ số. Được biết, trong tuần qua, khối ngoại bán ròng gần 1.000 tỉ đồng trên toàn thị trường trong khi giá trị mua ròng của tự doanh đạt 109 tỉ đồng.
Trong tuần tới (20 – 24/5), nhà đầu tư cần lưu ý về kỳ họp Quốc hội khóa XIV trao đổi về thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách 2019 có thể thông qua một số Luật đáng chú ý. Sau sự đổ bể đàm phán thương mại Mỹ - Trung tuần qua, chưa có thông tin về các cuộc hòa đàm mới.
Khối tự doanh 'gom' 25,2 tỉ đồng trong phiên cuối tuần, chủ yếu mua TCB
Thống kê giao dịch cuối tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng hơn 25,2 tỉ đồng với khối lượng 445.099 đơn vị.
Thống kê giao dịch của bộ phận tự doanh CTCK phiên ngày 17/5. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro
Ở chiều mua vào, TCB dẫn đầu với 19,58 tỉ đồng, theo sau bởi VHM với 16,84 tỉ đồng. Ngoài ra, khối tự doanh còn mua vào NBB (8,29 tỉ đồng) và VNM (5,3 tỉ đồng). Một số cổ phiếu có giá trị mua vào giao động từ 3-4 tỉ đồng gồm VIC, MBB, HPG, MSN và MWG.
Diễn biến trái chiều, khối tự doanh bán mạnh VHM (34,6 tỉ đồng). Cổ phiếu HMC chịu áp lực bán cao chỉ sau VHM (15,24 tỉ đồng). Không ngoại lệ với TCB (8,02 tỉ đồng), VPB, HDC, PTB, FPT…. Riêng chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 ghi nhận giá trị bán ra 4,67 tỉ đồng.
Khối ngoại quay lại mua ròng nhẹ 10 tỉ đồng trên HOSE dù giá trị bán ròng 19,6 tỉ đồng toàn thị trường
Thống kê giao dịch khối ngoại phiên cuối tuần, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 19,6 tỉ đồng toàn thị trường. Trongđó, hoạt động bán ròng trên HNX và UPCoM trong khi mua ròng tại HOSE
Cụ thể, khối ngoại mua ròng trở lại trên HOSE gần 10 tỉ đồng với khối lượng hơn 1,1 triệu đơn vị. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua ròng VRE (39 tỉ đồng), SSI (16 tỉ đồng), PLX (7,5 tỉ đồng), VNM (6,9 tỉ đồng), BVH (6,5 tỉ đồng). Ở chiều bán ròng, VHM dẫn đầu với (18 tỉ đồng), theo sau là VIC (15 tỉ đồng), HPG (13,6 tỉ đồng), PVD (9,4 tỉ đồng), HDB (8,8 tỉ đồng).
Trên HNX, khối ngoại bán ròng 15,6 tỉ đồng với khối lượng 94.536 đơn vị. Những cổ phiếu bị bán ròng mạnh là PVS (9,1 tỉ đồng), VGC (3,7 tỉ đồng), NTP (2 tỉ đồng). Ngược lại, khối này chủ yếu mua ròng NDN (493 triệu đồng), DGC (222 triệu đồng), ART (218 triệu đồng).
Thị trường UPCoM với giá trị bán ròng gần 14 tỉ đồng cùng khối lượng 607.373 đơn vị. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất CTR (9,8 tỉ đồng) và mua ròng VTP (3,8 tỉ đồng).
VNT Holdings đăng ký mua 4,7 triệu cổ phiếu VNT, muốn nắm quyền chi phối CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương
Thống kê đăng ký giao dịch trên HOSE và HNX phiên hôm qua, lãnh đạo và người có liên quan đăng ký mua vào các mã HBC, LGC và VNT. Không có cổ phiếu nào bị đăng ký bán ra.
Đăng kí giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan phiên 17/5. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp
Về thông tin giao dịch đáng chú ý, CTCP VNT Holdings vừa đăng ký mua vào 4,7 triệu cổ phần của CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương (Mã: VNT). Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/5 đến 14/6 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.
Hiện, VNT Holdings là cổ đông lớn của Giao nhận Vận tải Ngoại thương với tỉ lệ sở hữu 11,38% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, VNT Holdings dự kiến nắm giữ hơn 6 triệu cổ phiếu VNT, tương ứng 50,89% vốn cổ phần. Như vậy, có khả năng VNT Holdings trở thành công ty mẹ của Giao nhận Vận tải Ngoại thương.