|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh (15/5): Tự doanh CTCK và khối ngoại đồng loạt 'xả' 281 tỉ đồng trong phiên hưng phấn

07:45 | 15/05/2019
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền thông minh ngày 15/5, tự doanh CTCK quay lại bán ròng 47 tỉ đồng trong phiên khối ngoại tiếp tục ‘xả', lãnh đạo Transimex muốn mua 1 triệu cổ phiếu TMS.

Dòng tiền thông minh đổ về ngành công nghiệp và bất động sản

Thị trường chứng khoán đảo chiều tăng điểm cuối phiên hôm qua (14/5). Cổ phiếu kéo chỉ số tăng điểm mạnh nhất 1,38 điểm là GAS. Động lực của VN-Index còn đến từ nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu SAB và VNM. Bên cạnh đó, VCB, POW cũng là những cố phiếu giao dịch tích cực cải thiện đà tăng của thị trường.

Kết phiên, VN-Index tăng 6,8 điểm, (0,71%) lên 965,34 điểm; HNX-Index tăng 0,08% lên 105,7 điểm; UPCoM-Index giảm 0,18% xuồng còn 55,15 điểm. Diễn biến trái chiều, nhóm cổ phiếu ngân hàng có phiên giao dịch không mấy khởi sắc. Cổ phiếu BID, TCB, EIB, HDB đóng cửa trong sắc đỏ kéo thị trường giảm 0,79 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 210 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 4.253 tỉ đồng. Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp và bất động sản, thanh khoản thị trường giảm đáng kể so với phiên giao dịch trước. 

Khối tự doanh quay lại bán ròng hơn 47 tỉ đồng

Thống kê giao dịch bộ phận tự doanh công ty chứng khoán, khối này bán ròng hơn 47 tỉ đồng với khối lượng 656.866 đơn vị.

Đáng chú ý, chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 tiếp tục được khối tự doanh mua vào nhiều nhất với 32,51 tỉ đồng.

Dòng tiền thông minh (15/5): Tự doanh CTCK và khối ngoại đồng loạt xả 281 tỉ đồng trong phiên hưng phấn - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của bộ phận tự doanh CTCK phiên ngày 14/5. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro

Tại giao dịch cổ phiếu, tâm điểm mua vào là HCM với 17,67 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối này còn mua mạnh VNM 4,55 tỉ đồng và MWG 4,55 tỉ đồng. Một số mã khác được mua vào dưới 2 tỉ đồng như HSG, SSI, VIC, HPG…

Ngược lại, cổ phiếu VHM dẫn đầu chiều bán ra với giá trị 38,86 tỉ đồng, kế đến là TCB với 14,11 tỉ đồng. Những mã bị khối tự doanh bán mạnh còn có POW (9,07 tỉ đồng), VNM (8,,63 tỉ đồng), FPT (7,25 tỉ đồng), VPB (6,65 tỉ đồng). Ngoài ra còn có MSN, VIC, VJC, MBB cũng chịu áp lực bán cao.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp, giá trị bán ròng gần 234 tỉ đồng

Thống kê giao dịch khối ngoại phiên hôm qua, toàn thị trường ghi nhận giá trị bán ròng 234 tỉ đồng với khối lượng 15,2 triệu đơn vị.

Trong đó, hoạt động bán ròng diễn ra mạnh mẽ trên sàn HOSE với giá trị bán ròng 211 tỉ đồng đi kèm khối lượng hơn 7,7 triệu đơn vị, tập trung vào cổ phiếu VHM (84,5 tỉ đồng). Ngoài ra, khối này còn bán ròng SSI (42 tỉ đồng), VIC (17,5 tỉ đồng). Ở chiều mua ròng, khối này chủ yếu mua ròng BVH (38,1 tỉ đồng), theo sau đó là VNM (25,6 tỉ đồng). HVN và POW cũng được mua ròng với giá trị 19,3 tỉ đồng và 15,5 tỉ đồng.

Trên HNX, khối ngoại bán ròng hơn 28,4 tỉ đồng với khối lượng gần 1,7 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng tập trung vào cổ phiếu VGC (20 tỉ đồng), kế đến là cổ phiếu NDN và TNG với giá trị bán ròng lần lượt 4,4 tỉ đồng và 2,4 tỉ đồng. Trong khi đó, một số cổ phiếu khác như S55, AMV, TIG được khối ngoại mua ròng nhẹ.

Tại UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 5,8 tỉ đồng nhưng bán ròng 92.466 đơn vị. Dòng tiền ngoại tập trung vào một số mã cổ phiếu như VTP (2,4 tỉ đồng), ACV (2,4 tỉ đồng), VEA (1,3 tỉ đồng) nhưng rút mạnh nhất khỏi BSR (1,5 tỉ đồng).

Thành viên HĐQT Transimex đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TMS

Trong phiên hôm qua, thông tin đăng ký giao dịch nổi bật trên HOSE và HNX có ông Bùi Minh Tuấn – Thành viên HĐQT CTCP Transimex (Mã: TMS) công bố muốn mua 1 triệu cổ phiếu công ty, tương ứng 2,105% vốn điều lệ. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 16/5 đến 14/6 theo phương thức giao dịch khớp lệnh và thoả thuận.

Hiện, ông Tuấn là cổ đông lớn của Transimex, sở hữu 12,5% vốn cổ phần. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ này có thể tăng lên 14,665% vốn điều lệ, tương đương gần 7 triệu cổ phiếu TMS.

Được biết, ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Transimex là anh trai ông Bùi Minh Tuấn. Ông Ngọc cũng là cổ đông của công ty tuy nhiên với tỉ lệ sở hữu thấp hơn đáng kể là 0,589% vốn cổ phần.

Bảo Trâm