Dòng tiền thông minh 15/4: Tự doanh và khối ngoại duy trì đà bán ròng trăm tỉ phiên thị trường tăng nhẹ
Dòng tiền thông minh tập trung giao dịch nhóm ngân hàng
Xem thêm: Dòng tiền thông minh 16/4
Ngay từ phiên sáng, VN-Index tiếp tục duy trì nhịp tăng điểm tích cực nhờ đà tăng của VPB, SAB, FPT, POW, BHN. Tuy nhiên, sự rung lắc đến từ áp lực bán xuất hiện tại các mã VCB, GAS, VJC cuối phiên sáng đã nhanh chóng kéo chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu.
Kết phiên, VN-Index tăng 1,62 điểm (0,21%) lên 767,41 điểm; HNX-Index giảm 0,01% xuống 107,15 điểm; UPCoM-Index giảm 0,16% xuống 50,78 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với khối lượng giao dịch 340,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.895 tỉ đồng.
VN-Index vận động tiêu cực trong phần lớn thời gian của phiên chiều trước khi bật tăng trở lại. Sự hồi phục mạnh mẽ của MSN, VPB, GVR đã tác động tích cực đến thị trường. Nhịp rung lắc của chỉ số diễn ra trong bối cảnh TTCK Mỹ cũng ghi nhận nhịp điều chỉnh trong phiên hôm qua.
Dòng tiền dồn về nhóm cổ phiếu ngân hàng, theo sau là bất động sản, sản xuất thực phẩm và kim loại.
Trong bối cảnh KQKD quí I của các doanh nghiệp sẽ được công bố trong tuần này, nhà đầu tư có thể cân nhắc các cổ phiếu được dự báo có KQKD tốt và đã điều chỉnh sâu trong thời gian qua.
Khối tự doanh bán ròng 85 tỉ đồng phiên tăng nhẹ, tâm điểm DBC và MBB
Thống kê giao dịch phiên hôm qua, bộ phận tự doanh CTCK tiếp tục bán ròng 85 tỉ đồng với khối lượng 4,5 triệu đơn vị.
Về giá trị giao dịch cụ thể, cổ phiếu DBC dẫn đầu phía bán ra với giá trị 28,5 tỉ đồng, theo sau là MBB (25,6 tỉ đồng). Mặt khác, khối tự doanh bán ra trên 10 tỉ đồng các mã VCB (19,6 tỉ đồng) và chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (10,9 tỉ đồng).
Khối này còn tạo áp lực bán lên cổ phiếu FPT (9,16 tỉ đồng), VPB (6,7 tỉ đồng), STB (6,2 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã cùng chiều gồm PLX, CTG và VNM ghi nhận giá trị dưới 5 tỉ đồng.
Trong khi đó, khối tự doanh mua vào nhiều nhất cổ phiếu VPB (13,53 tỉ đồng). Dòng tiền từ tự doanh còn hướng đến cổ phiếu MWG (5,5 tỉ đồng), HPG (3,6 tỉ đồng) và E1VFVN30 (3,3 tỉ đồng). Một số mã khác lọt top mua vào như FPT, NBB, VCB, VRE, KBC và TCB.
Dòng vốn ngoại rút ròng 282 tỉ đồng toàn thị trường, chưa dừng xả cổ phiếu VIC
Trên sàn HOSE, dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng 247,6 tỉ đồng cùng khối lượng 6 triệu đơn vị. Trong đó, NĐT nước ngoài chủ yếu bán ròng tại thị trường cổ phiếu với giá trị 242 tỉ đồng, ngoài ra thị trường chứng chỉ quĩ ETF nội ghi nhận giá trị bán ròng nhẹ 5,8 tỉ đồng.
Khối ngoại tập trung xả cổ phiếu VIC (36,2 tỉ đồng), theo sau là DMC (15,2 tỉ đồng) và VPB (14,1 tỉ đồng). Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài bán ròng trên 10 tỉ đồng các mã BID (13,2 tỉ đồng), HDB (12,7 tỉ đồng), CTG (11,3 tỉ đồng), STB (10,05 tỉ đồng) và GAS (10,03 tỉ đồng). Mặt khác, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu KBC, PLX, PVT, DXG.
Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài gom mạnh mã HPG và VNM lần lượt là 24,8 tỉ đồng và 24,45 tỉ đồng. Theo sau đó, khối ngoại mua ròng cổ phiếu MSN (7,5 tỉ đồng), HCM (4,26 tỉ đồng) và VJC (3,7 tỉ đồng).
Trên sàn HNX, hoạt động bán ròng của NĐT nước ngoài áp đảo với giá trị 23 tỉ đồng cùng khối lượng 1,83 triệu cổ phiếu. Duy nhất cổ phiếu SHB chịu áp lực bán ròng trên 10 tỉ đồng từ khối ngoại, giá trị cụ thể đạt 13,1 tỉ đồng.
Ngoài ra, khối này cũng bán ròng cổ phiếu TNG (6,5 tỉ đồng), SHS (2,03 tỉ đồng) và LAS (1,7 tỉ đồng). Một số mã ghi nhận giá trị bán ròng dưới 1 tỉ đồng như EID và NTP. Trong khi đó, dòng vốn ngoại tìm đến cổ phiếu VCS (488 triệu đồng), TIG (140 triệu đồng) và INN (109 triệu đồng).
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại xả 11 tỉ đồng và bán ròng khối lượng 1,9 triệu đơn vị. Dẫn đầu phía bán ròng là cổ phiếu BSR với giá trị 10,6 tỉ đồng, theo sau là ACV và VIB với giá trị tương ứng 2,1 tỉ đồng và 1,2 tỉ đồng.
Mặt khác, NĐT nước ngoài thoái ròng tại cổ phiếu VEA, BCM và VGI. Ngược lại, khối ngoại gom chủ yếu mã VTP (3,1 tỉ đồng), ngoài ra còn có LPB , MH3 và CTR.
Lãnh đạo và nội bộ doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu nào?
Trong phiên hôm qua, thông tin giao dịch đáng chú ý, lãnh đạo và cá nhân (tổ chức) có liên quan đăng kí mua các mã VNM, HAH và SVI, trong khi đó không có cổ phiếu nào bị đăng kí bán ra.