|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 15/4: NĐT cá nhân gom gần 970 tỷ đồng bất chấp đà bán ròng nghìn tỷ từ khối tự doanh và NĐT ngoại

08:00 | 15/04/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index lấy lại đà tăng, NĐT cá nhân rót gần 970 tỷ đồng vào thị trường, mua ròng trở lại nhóm ngân hàng và bất động sản. Ngược lại, đà bán ròng của khối ngoại diễn ra mạnh mẽ, cùng khối tự doanh xả nghìn tỷ phiên vừa qua.

NĐT cá nhân mua ròng gần 970 tỷ đồng khi VN-Index khởi sắc trở lại

Sau một phiên điều chỉnh trước đó, trong phiên giao dịch hôm qua (14/4), VN-Index tăng 0,6% đóng cửa ở mức 1.255,87 điểm, mức giá đóng cửa kỷ lục mới.

Giá trị giao dịch đạt 22.904 tỷ đồng, giảm 20,6% so với phiên liền trước, nhưng vẫn là mức cao so với trung bình năm là 15.944 tỷ đồng. Độ rộng thị trường mở rộng so với phiên liền trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 263/153.

Trong các bên tham gia thị trường, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đảo chiều mua ròng 968 tỷ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh là 902 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng 14/18 ngành, mạnh nhất là cổ phiếu bất động sản (VHM, KBC, NLG), thực phẩm và đồ uống (VNM, VHC), ngoài ra còn các mã ngân hàng (CTG, STB, TCB, MBB, BID). Ở phía bán ròng, NĐT cá nhân bán 4/18 ngành, bao gồm công nghệ thông tin (FPT) và dịch vụ tài chính (HCM).

Như vậy, hai ngành ngân hàng và bất động sản đã chuyển vị thế từ bán ròng phiên trước sang mua ròng ngày hôm qua, trở lại xu hướng trước đó.

Ngược lại, khối tự doanh bán ròng 180 tỷ đồng

Thống kê giao dịch khối tự doanh, hoạt động bán ròng áp đảo trởi lại với giá trị 180 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 44 tỷ qua khớp lệnh. Khối lượng bán ròng tương ứng đạt 13 triệu đơn vị.

Dòng tiền thông minh 15/4: NĐT cá nhân gom gần 970 tỷ đồng bất chấp đà bán ròng nghìn tỷ từ khối tự doanh và NĐT ngoại - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Top mua ròng của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm FPT, VPB, VHM, VIC, VRE, CII. Trong đó, cá mã ghi nhận giá trị mua ròng nổi bật gồm FPT (57 tỷ đồng), VPB (51 tỷ đồng) và VHM (21 tỷ đồng). Như vậy sau khi bán ròng VIC, FPT ngày hôm trước tự doanh đã mua ròng trở lại.

Ngược lại, khối tự doanh bán ròng FUESSVFL, HPG, TCB, MSN, MBB, HNG. Đáng chú ý là chứng chỉ quỹ FUEVFVFL bị khối này xả tới 227 tỷ đồng và là mã duy nhất ghi nhận giá trị giao dịch trên trăm tỷ. Mặt khác, giá trị bán ròng của các mã tiêu biểu như HPG (45 tỷ đông), TCB (30 tỷ đồng), MSN (19 tỷ đồng).

Khối ngoại chuyển bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng

NĐT tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng 140 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 184 tỷ đồng.

Trong đó, tổ chức trong nước mua ròng 8/18 nhóm ngành, tập trung vào bất động sản (VIC, ROS, FLC, NVL, VHM), thực phẩm và đồ uống (VNM, HNG). Phía bán ròng, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 9/18 ngành gồm ngân hàng (STB, MBB, TCB, ACB, EIB), hàng và dịch vụ công nghiệp (VSC, REE).

Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài chuyển vị thế bán ròng 1.006 tỷ, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 1.086 tỷ đồng.

Tính cả giao dịch thỏa thuận, Top bán ròng của nước ngoài gồm các mã VHM, VNM, CRE, VIC, CTG, VRE, VPB, KBC.

Như vậy, sau một thời gian mua ròng, nước ngoài đã quay lại bán ròng VIC, và đặc biệt bán mạnh VHM ngày hôm nay. Riêng 4 cổ phiếu VHM, VNM, CRE, VIC ghi nhận giá trị bán ròng lên đến 1.021 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất theo thứ tự các mã FUESSVFL, NVL, HPG MSN, MBB, PTB, ACB, chủ yếu mua đối ứng với lực bán của tự doanh.

Giá trị giao dịch thỏa thuận giảm về 1.600 tỷ đồng

Ngày hôm qua, toàn thị trường ghi nhận giá trị giao dịch thỏa thuận đạt tỷ 1.598 tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên liền trước nhưng ở mức trung bình năm.

Top giao dịch đáng chú ý gồm NĐT nước ngoài mua FUESSVFL (227 tỷ đồng) từ tự doanh, bán CRE (120 tỷ đồng) cho NĐT cá nhân trong nước. Bên cạnh đó, NĐT cá nhân mua nội khối VJC (225 tỷ đồng), SJS (95 tỷ đồng), NVL (79 tỷ đồng). Ngoài ra, tổ chức trong nước giao dịch nội khối DBD (76 tỷ đồng) và EIB (39 tỷ đồng).

Thu Thảo