Dòng tiền thông minh 13/9: Tự doanh có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp, tâm điểm nhóm chứng khoán, ngân hàng
Thị trường chứng khoán trong nước phiên cuối tuần (10/9) tiếp đà phục hồi trong biên độ hẹp khi thanh khoản chưa có sự cải thiện.
Tuần này, thị trường vẫn dao động lình xình quanh ngưỡng 1.350 điểm khi không có nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắ và dòng tiền liên tục xoay tua giữa các nhóm cổ phiếu. Trong khi đó, khối ngoại vẫn duy trì mạch bán ròng sang tuần thứ 5 liên tiếp.
Đóng cửa phiên thứ Sáu, VN-Index tăng 1,33 điểm (0,1%) lên 1.345,31 điểm. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái trung lập với thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước cho thấy tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư. Giá trị giao dịch trên toàn thị trường ghi nhận 24.427 tỷ đồng với thanh khoản sàn HOSE đạt 19.104 tỷ đồng.
Dòng tiền đầu tư duy trì xu hướng lan tỏa khi có 14/19 nhóm ngành tăng điểm với mũi nhọn tăng trưởng đến từ các ngành ô tô phụ tùng lẻ, truyền thông và bảo hiểm.
Tỷ trọng phân bố dòng tiền tăng ở nhóm bất động sản, thực phẩm đồ uống, hóa chất, trong khi giảm ở nhóm thép, chứng khoán. Bên cạnh đó, dòng tiền ở nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục cải thiện dù chỉ số giá của ngành giảm nhẹ.
Vị thế giao dịch của các nhóm nhà đầu tư không có gì thay đổi so với phiên trước đó với áp lực bán ra đến từ tổ chức trong nước và khối ngoại, trong khi bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và NĐT cá nhân chủ động gom mua.
Tự doanh tiếp đà bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này mua ròng 55,9 tỷ đồng, trong đó toàn bộ giao dịch đều thực hiện qua kênh khớp lệnh. Như vậy, tự doanh đã có chuỗi mua ròng 4 phiên liên tiếp trong tuần 6 - 10/9.
Giao dịch theo nhóm ngành, bộ phận tự doanh rót vốn vào 6/18 ngành, trong đó mua ròng mạnh nhất hai nhóm dịch vụ tài chính và ngân hàng. Top10 cổ phiếu được khối này mua ròng trong phiên cuối tuần trước gồm FUEVFVND, NVL, STB, VPB, TCB, NKG, MBB, KDH, MSN, HPG.
Ở chiều ngược lại, tự doanh chủ yếu bán ròng nhóm công nghệ thông tin. Top các mã bị bán ròng gồm PNJ, FPT, MWG, VIC, GMD, REE, NLG, ACB, CTG, LPB.
Tổ chức trong nước giảm quy mô rút vốn
Trong phiên VN-Index dao động lình xình trong biên độ hẹp, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 378 tỷ, tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 422 tỷ đồng. Giao dịch của các tổ chức nội vẫn nhuốm màu ảm đảm bất chấp tín hiệu khởi sắc từ thị trường, dù vậy thì quy mô bán ròng đã thu hẹp gần một nửa so với phiên trước đó.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 10/18 ngành với áp lực xả lớn nhất tại nhóm bất động sản. Top các mã bị khối này bán ròng có VHM, VPB, SSB, TCB, VIC, HDB, MSN, PDR, FCN, VCB.
Trong khi đó, tổ chức trong nước chủ yếu gom ròng nhóm tài nguyên cơ bản. Top10 cổ phiếu được họ mua ròng có HPG, TPB, DIG, VND, DRC, PTB, IJC, DHC, LPB, HAG.
Cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng đối ứng với nhà đầu tư nước ngoài
Về phía NĐT cá nhân, họ mua ròng 1.073,1 tỷ đồng, trong đó gom ròng khớp lệnh 1.216,3 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 11/18 ngành, trong đó tập trung giải ngân gần 1.000 tỷ đồng cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm VHM, VPB, VIC, DPM, VNM, HDB, SSI, KBC, SSB, NVL.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ rút vốn khỏi 7/18 ngành còn lại với lực bán ra chủ yếu đặt tại nhóm hàng cá nhân & gia dụng, tài nguyên cơ bản. Top bán ròng của các cá nhân trong nước gồm CTG, VND, PNJ, VCI, HPG, MBB, TPB, PTB, DIG.
Nước ngoài duy trì bán ròng, chưa ngừng xả VHM
Giao dịch trái chiều với khối tự doanh và các cá nhân trong nước, NĐT nước ngoài bán ròng 744,6 tỷ đồng. Trong đó, họ rút ròng 850 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm hàng cá nhân & gia dụng, ngân hàng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: CTG, PNJ, VND, VCI, VJC, MBB, HSG, CTD, HVN, SAB.
Trong khi đó, dòng tiền nước ngoài tiếp tục rút khỏi nhóm bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm VHM, DPM, VNM, VIC, KBC, HDB, FUEVFVND, NVL, VGC.
Liên quan đến giao dịch VHM, Viking Asia Holdings II, tổ chức liên quan tới KKR đã đăng ký bán 31,96 triệu cổ phiếu Vinhomes từ ngày 19/8 đến 17/9 thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Trong phiên cuối tuần, nước ngoài bán 7,5 triệu cổ phiếu VHM, theo đó nhiều khả năng cổ đông lớn KKR đã sắp thực hiện xong thương vụ thoái vốn tại Vinhomes.