|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 12/3: Tự doanh trở lại mua ròng trăm tỷ nhờ rót vốn vào nhóm ngân hàng, NĐT cá nhân chưa dừng gom cổ phiếu

08:15 | 12/03/2021
Chia sẻ
Trong phiên vừa qua, NĐT cá nhân tiếp tục giao dịch trái chiều khối ngoại, ghi nhận chuỗi 15 phiên mua ròng liên tiếp. Cùng với đó, khối tự doanh trở lại mua ròng 240 tỷ đồng, tập trung gom các mã nhóm ngân hàng.

NĐT cá nhân ghi nhận chuỗi 15 phiên gom liên tiếp trong khi tổ chức trong nước chưa dừng bán ròng

Thị trường giao dịch tích cực trong suốt phiên hôm qua. Kết phiên, VN-Index tăng 11,65 điểm (1%) lên 1.181,73 điểm, HNX-Index tăng 2,4% lên 273,52 điểm, UPCoM-Index tăng 0,12% lên 80,34 điểm.

Trong phiên ngày hôm qua, NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng 323 tỷ đồng, trong đó 234 tỷ đồng là mua ròng qua khớp lệnh. Như vậy sự đối ứng của nhà đầu tư cá nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn, trong khi tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng.

Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân là các mã đối ứng trực tiếp với top bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (VNM, HPG, VCB, MSN, VHM) và tổ chức (PLX, FPT, DIG, MSB). Phía bán ròng, nhóm này bán chủ yếu là ngân hàng (VPB, MBB, TCB, STB, ACB) và bất động sản (KBC, FLC, HDG, NVL).

Trong 15 ngày mua ròng liên tiếp, họ mua ròng 11.464 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Về phía NĐT tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng 196 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 201 tỷ đồng.

Nhóm này bán ròng ngành dầu khí (PLX), ngân hàng (TCB, MSB, STB, MBB, HDB, TPB), công nghệ (FPT). Như vậy sau khi mua ròng FPT những ngày qua thì họ đã quay sang bán ròng phiên vừa qua. Trong khi đó, họ mua ròng FLC, HDG REE, OCB và GAS.

Khối tự doanh mua ròng 240 tỷ đồng, tập trung gom nhóm ngân hàng

Thống kê giao dịch tự doanh trong phiên, khối này trở lại mua ròng 240 tỷ đồng với 1,6 triệu đơn vị. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, giá trị mua ròng của khối tự doanh lên tới 347 tỷ đồng.

Dòng tiền thông minh 12/3: Tự doanh trở lại mua ròng trăm tỷ nhờ rót vốn vào nhóm ngân hàng, NĐT cá nhân chưa dừng gom cổ phiếu - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong phiên vừa qua, khối tự doanh tập trung mua ròng nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, khối này gom TCB (54,7 tỷ đồng), VPB (41,4 tỷ đồng), STB (24 tỷ đồng) và MBB (16,7 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán còn mua ròng cổ phiếu VNM (35,5 tỷ đồng), FPT (29,5 tỷ đồng), MWG (20,9 tỷ đồng). Hai mã "họ Vingroup" gồm VIC và VRE lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 20,7 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng.

Diễn biến trái chiều, đáng chú ý có chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu phía bán ròng với giá trị 119 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất đạt giá trị mua/bán ròng trên trăm tỷ đồng phiên vừa qua.

Theo sau đó, khối tự doanh bán ròng cổ phiếu VND (16,8 tỷ đồng), DXG (9,3 tỷ đồng), IJC (9,3 tỷ đồng) và OCB (7,6 tỷ đồng). Cùng chiều bán ròng, các mã khác lọt top như PAC, TDC, PC1, D2D, DGC.

NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng với quy mô giảm

NĐT nước ngoài: bán ròng liên tiếp phiên thứ 15 với quy mô bán ròng tiếp tục giảm. Ngày hôm nay họ bán ròng 323 tỷ trong đó 379 tỷ bán ròng qua khớp lệnh. Trong chuỗi bán ròng 15 phiên liên tiếp, nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 9.183 tỷ đồng qua khớp lệnh trên HOSE.

VNM, HPG tiếp tục lần lượt dẫn đầu top bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phiên ngày hôm nay với lượng bán ròng tương ứng là 117 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. Các mã bán ròng khác gồm VCB, MSN, VHM.

Phía mua ròng, khối ngoại mua MBB, KBC, PDR, FUEVFVND và SSI. Ngày hôm nay nước ngoài vẫn mua ròng PLX nhưng lượng mua ròng đã sụt giảm mạnh.

Cổ đông ngoại muốn bán toàn bộ cổ phần AGG đang sở hữu

Hoosier VN – 1 Ltd (Vương Quốc Anh) vừa công bố thông tin đăng ký bán toàn bộ 314.572 cổ phần AGG của CTCP Đầu tư và phát triển Bất động sản An Gia nhằm cơ cấu danh mục. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 16/3 đến ngày 14/4 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Nếu giao dịch thành công, cổ đông ngoại này sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại An Gia từ 0,38% về 0% vốn điều lệ.

Thu Thảo