|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 11/6: Tự doanh đẩy mạnh bán ròng 430 tỷ, tâm điểm nhóm ngân hàng

08:34 | 11/06/2021
Chia sẻ
Khối tự doanh ghi nhận phiên bán ròng mạnh nhất kể từ cuối tháng 4 đến nay, giá trị bán ròng đạt 430 tỷ đồng với tâm điểm là các mã ngân hàng. Bên cạnh đó, NĐT cá nhân cũng thận trọng xuống tiền khi chỉ mua ròng 18 tỷ đồng phiên thị trường giảm điểm trở lại.

Dòng tiền tìm về đâu phiên thị trường giảm điểm trở lại

Sau một phiên hồi phục, VN-Index quay đầu giảm điểm trở lại với mức giảm 0,7%, đóng cửa tại 1.323,58 điểm. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 24.880 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 30.276 tỷ đồng, giảm 1,4% so với phiên liền trước.

Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng-giảm là 162-236. Cổ phiếu nhóm ngành dầu khí, bất động sản và ngân hàng giảm mạnh nhất thị trường trước áp lực chốt lời.

Giá trị giao dịch của nhóm dịch vụ tài chính, dầu khí, thực phẩm và đồ uống trên HOSE tăng so với trung bình tháng lần lượt là 2,09%, 1,01% và 1%.

Tuy nhiên, giá trị giao dịch nhóm dầu khí tăng là do áp lực chốt lãi. Trong nhóm này có PVD giảm sàn với khối lượng giao dịch lớn về cuối phiên, do ảnh hưởng của việc có công nợ hơn 100 tỷ đồng với công ty con của nhà thầu Singapore KrisEnergy vừa nộp đơn phá sản.

Ngược lại, dòng tiền vào nhóm dịch vụ tài chính, thực phẩn đồ uống giúp các nhóm này tiếp tục tăng điểm lần lượt là 0,52% và 1,67% bất chấp thị trường chung giảm điểm.

Đáng chú ý, nhóm tài nguyên cơ bản dù dòng tiền giảm nhưng tăng mạnh 1,85% dẫn dắt bởi cổ phiếu HPG cùng lực mua ròng của nước ngoài.

Giữa các lớp cổ phiếu, thị trường có sự phân hóa lớn, dòng tiền tập trung khá nhiều vào các cổ phiếu riêng lẻ thay vì đi theo nhóm ngành. Ngay trong dòng cổ phiếu mạnh nhất thị trường là dịch vụ tài chính, vẫn có những cổ phiếu tăng trần (VCI) và những cổ phiếu tăng mạnh (VND), tăng trung bình (SSI) và giảm (HCM).

NĐT cá nhân thận trọng xuống tiền, gom trăm tỷ cổ phiếu bất động sản

Trong phiên vừa qua, NĐT cá nhân tâm lý thận trọng hơn nhưng vẫn mua ròng 18 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 2 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng 12/18 ngành tập trung vào Bất động sản, ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm các cổ phiếu DXG (152 tỷ đồng), NVL (126 tỷ đồng), VIC (99 tỷ đồng), ACB, TCB, VPB, STB, CII, GEX, MWG.

Ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng 6/18 ngành trong đó có dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản. Top các mã bị bán ròng gồm có HPG (204 tỷ đồng), VCB (98 tỷ đồng), SSI, VCI, VNM, NLG, HCM, HSG, OCB, CTG.

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cá nhân được thể hiện ở mức độ tham gia thị trường trong ngày hôm qua, chiếm 85,09% giá trị giao dịch trên HOSE, giảm so với trung bình 5 phiên trước đó là 87,1%. Ngược lại, mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng.

Khối tự doanh đẩy mạnh bán ròng gần 430 tỷ, xả nhóm ngân hàng

Trong khi đó, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 429 tỷ đồng, mạnh nhất kể từ cuối tháng 4/2021, trong đó bán ròng 427 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Tại chiều bán ròng của khối này ghi nhận hầu hết là cổ phiếu ngân hàng, dẫn đầu bởi STB với giá trị bán ròng 88 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh xả VPB (48 tỷ đồng), TCB (42 tỷ đồng), MBB (29 tỷ đồng).

Ngoài ra, dòng vốn tự doanh rút khỏi mã VNM (30 tỷ đồng), FUEVFVND (26 tỷ đồng), MWG (25 tỷ đồng), VIC (22 tỷ đồng)…

Diễn biến trái chiều, khối tự doanh gom mạnh nhất HPG (41 tỷ đồng), theo sau là SGT, PLX, TDC, SAB, NKG… nhưng giá mua ròng dưới 10 tỷ đồng.

Dòng tiền thông minh 11/6: NĐT cá nhân thận trọng xuống tiền, tự doanh đẩy mạnh bán ròng 430 tỷ, tâm điểm nhóm ngân hàng - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Các tổ chức trong nước gom 160 tỷ đồng

NĐT tổ chức trong nước mua ròng 160 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 167 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy nhóm này mua ròng 13/18 ngành, trong đó có dịch vụ tài chính, ngân hàng. Phía bán ròng, các tổ chức trong nước bán 5/18 ngành, chủ yếu là bất động sản. Như vậy có thể thấy tổ chức trong nước trở lại bán cổ phiếu ngành bất động sản sau chỉ một hôm mua ròng.

Chi tiết giao dịch, các tổ chức trong nước gom SAB (60 tỷ đồng), kế đến là VCB (56 tỷ đồng), NLG (44 tỷ đồng), VCI (32 tỷ đồng)… Trong khi đó, ghi nhận giá trị bán ròng của cổ phiếu ACB (50 tỷ đồng), NVL (43 tỷ đồng), VIC (35 tỷ đồng)…

Dòng tiền thông minh 11/6: NĐT cá nhân thận trọng xuống tiền, tự doanh đẩy mạnh bán ròng 430 tỷ, tâm điểm nhóm ngân hàng - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Khối ngoại có phiên mua ròng đầu tiên trong tháng 6, tập trung cổ phiếu trong giỏ ETFs

NĐT nước ngoài chuyển mua ròng 213 tỷ đồng lần đầu tiên trong tháng 6, tập trung vào cổ phiếu trong giỏ chỉ số ETFs. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 262 tỷ đồng.

Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã HPG, VNM, SSI, VCB, STB, VCI, CTG, VHM, HDB, MBB, HCM. Như vậy nước ngoài mua tập trung nhóm cổ phiếu trong các giỏ chỉ số (HPG, VNM, VCB, VHM).

Cổ phiếu HPG được mua ròng lần đầu tiên trong 15 ngày liên tiếp. Tính từ đầu năm, NĐT ngoại đã bán ròng 11.712 tỷ đồng HPG, chiến hơn 1/3 tổng giá trị bán ròng toàn thị trường, trong khi cổ phiếu tăng 69,32%.

Tương tự, cổ phiếu VNM đã được mua ròng trong hai phiên gần đây sau khi nước ngoài bán ròng mạnh với mức bán ròng 6.582 tỷ đồng từ đầu năm, giá cổ phiếu giảm 13,4%.

Top bán ròng của khối ngoại theo thứ tự là các mã DXG, NVL, SAB, VIC, GEX, BID, NKG, CII, DGW.

Trong nhóm bán ròng, cổ phiếu DXG vẫn tiếp tục chịu áp lực xả, trong đó có các quỹ do Dragon Capital quản lý. NĐT nước ngoài đã bán tổng cộng 915,4 tỷ đồng DXG trong 8 phiên liên tiếp. Tính từ đầu năm, họ bán ròng 1.207 tỷ đồng DXG, trong khi cổ phiếu tăng 47,96%.

Thu Thảo

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.