|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền 'nhảy' từ cơ sở sang phái sinh: Cơ hội kiếm lời ngắn hạn hay nguy cơ lỗ cả hai đầu?

13:53 | 07/05/2022
Chia sẻ
Theo nhận định của chuyên gia, chỉ khi chúng ta sử dụng kênh phái sinh là công cụ để quản trị rủi ro cùng với một tỷ lệ đòn bẩy phù hợp thì nó hoàn toàn hữu ích. Ngược lại, nhà đầu tư có thể đối mặt với nguy cơ lỗ cả hai đầu.

Thờ ơ cở sở - niềm nở phái sinh

Thị trường chứng khoán cơ sở đang khá ảm đạm khi mà dòng tiền lớn vẫn chưa chịu nhập cuộc dù thị trường được định giá rất hấp dẫn với P/E ở mức 14 – 15 lần. Dù thị trường cũng đã chiết khấu khá sâu, thanh khoản trung bình đã giảm khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên so với tháng 3, chưa bằng nửa mức giao dịch trung bình của năm ngoái.

Trong khi thị trường cơ sở đang tạm nghỉ ngơi sau chu kỳ giảm mạnh thì giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian gần đây, cụ thể là từ cuối tháng 4 đến nay khá là sôi động.

Giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh đã có những phiên rất đột biến, cụ thể là phiên 27/4, đâu đó có số lượng hợp đồng phái sinh được khớp lệnh lên đến 380.000 hợp đồng.

Khi được hỏi về việc gần đây nhiều nhà đầu tư đã nhảy từ cơ sở sang phái sinh để kiếm lời ngắn hạn, gỡ lỗ cho chứng khoán cơ sở, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Tân Việt cho biết trong giai đoạn thị trường hình thành một đợt điều chỉnh rõ ràng thì thông thường nhà đầu tư có khả năng suy đoán về chỉ số thì sẽ chuyển sang đầu tư phái sinh nhiều hơn.

 

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Tân Việt. (Ảnh chụp màn hình)

 

Nguyên nhân đến từ việc khi thị trường cơ sở khó tìm kiếm lợi nhuận hơn thì một phần dòng tiền thường chuyển sang phái sinh. Bên cạnh đó, đối với một số nhà đầu tư vẫn muốn giữ vị thế của cơ sở thì có thể sử dụng phái sinh như một công cụ hedging (phòng ngừa rủi ro).

Tuy vậy ông Nam nhận thấy về mặt cơ bản thị trường phái sinh vẫn đang giao dịch ở hợp đồng ngắn hạn là chính, có nghĩa là một số nhà đầu tư cho rằng xu hướng của chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh. Khi mà xu hướng điều chỉnh tương đối rõ ràng thì họ sẽ sang phái sinh để tìm kiếm cơ hội nhiều hơn.

Rõ ràng là cơ hội luôn đi kèm với rủi ro và các nhà đầu tư ở Việt Nam luôn nhắc rất nhiều đến rủi ro của thị trường phái sinh khi mà theo thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có tới 95% các nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Cũng theo vị chuyên gia này, một trong những đặc điểm quan trọng của phái sinh là cái tỷ lệ ký quỹ tương đối cao, tức là mức độ dao động của Index xung quanh 10 – 15 điểm thì hoàn toàn có thể làm cho chúng ta có các khoản lỗ nhất định, có thể cao hơn cơ sở vì cơ sở mức lỗ được giới hạn quanh ngưỡng 7 – 15%. Ngược lại thì mức độ biến động phái sinh lớn hơn, đối với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đoán chỉ số thì sẽ gặp rủi ro nhiều hơn.

NĐT cần làm gì để tránh nguy cơ thua lỗ hai đầu?

Ông Nam nhấn mạnh một trong những mục đích quan trọng của thị trường chứng khoán phái sinh đó là công cụ để quản trị rủi ro nhà đầu tư.

Chẳng hạn 1 nhà đầu tư đang nắm giữ 1 danh mục cơ sở và không muốn thanh lý danh mục đó mặc dù họ có suy đoán rằng tổng thể danh mục đó của mình sẽ chịu áp lực điều chỉnh cùng VN-Index. Trong trường hợp này nhà đầu tư có thể sử dụng một phần tài khoản của mình tham gia thị trường chứng khoán phái sinh để Short chỉ số với kỳ vọng rằng nếu thị trường điều chỉnh thì danh mục cơ sở của mình sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với thị trường.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải có kế hoạch cho việc đó, nếu như chúng ta bán toàn bộ danh mục cổ phiếu và nhảy hẳn sang phái sinh thì rõ ràng là chúng đa đang betting (đánh cược) nhiều hơn là đầu tư, đó cũng không còn là cách thức để quản trị danh mục. Hành động này hoàn toàn dựa trên suy nghĩ cơ sở hoàn toàn không còn cơ hội để tạo ra lợi nhuận mà chúng ta nhảy hẳn sang phái sinh.

"Tôi cho rằng nếu chúng ta sử dụng kênh phái sinh là công cụ để quản trị rủi ro cùng với một tỷ lệ đòn bẩy phù hợp thì nó hoàn toàn hữu ích và ngược lại, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ lỗ cả hai đầu.

Như phiên 27/4 lượng giao dịch phái sinh rất lớn nhưng thực tế từ đó đến nay VN-Index lại có khuynh hướng đi ngang hoặc tăng nhiều hơn. Như vậy, các nhà đầu tư Short phái sinh trong giai đoạn đó thì có thể gặp rủi ro về việc thị trường hồi phục mặc dù trước đó thị trường có thời điểm giảm tối đa gần 300 điểm. Việc đặt lệnh Short vào thời điểm thị trường xuất hiện nhịp hồi sẽ gây ra những khoản thua lỗ không mong muốn", Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Tân Việt cho hay.

Thu Thảo

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.