|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền NĐT cá nhân trở lại với nhóm ngân hàng nhưng ưu tiên bất động sản hơn

08:43 | 22/06/2021
Chia sẻ
Sau phiên lập đỉnh, thị trường chứng khoán đánh mất đà tăng, giảm 5,14 điểm trong phiên mở cửa. Thanh khoản toàn thị trường giảm 5,7%. NĐT cá nhân mua ròng khớp lệnh hơn 1.300 tỷ trong đó tập trung ở NVL và HPG.

Thị trường điều chỉnh sau khi lập đỉnh mới

Sau khi vượt đỉnh 1.370 điểm thành công phiên cuối tuần trước, thị trường chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn ngay trong phiên mở cửa tuần. Diễn biến này phần nào được dự báo bởi sự thiếu vắng nhóm cổ phiếu dẫn dắt và lực cầu là chưa đủ mạnh để kéo dài xu hướng tăng.

Kết phiên 21/6, VN-Index đánh mất 5,14 điểm (0,37%) giảm xuống 1.372,63 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tương quan số lượng cổ phiếu tăng - giảm là 163 - 181. HNX-Index cũng giảm 0,78% còn 316,24 điểm, UPCoM-Index giảm 0,57% về mức 89.71 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 22.385 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 27.254  tỷ đồng, giảm 5,7% so với phiên liền trước.

Dòng tiền tiếp tục có sự chuyển dịch từ nhóm ngân hàng sang nhóm thực phẩm đồ uống và bất động sản. Theo thống kê top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tới chỉ số, cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu với các đại diện: VCB (giảm 1,75%), BID (giảm 2,49%), CTG (giảm 1,76%) và TCB (giảm 1,18%). Riêng nhóm này đóng góp tới 4,49 điểm vào đà giảm của VN-Index.

Nhận định theo nhóm nhà đầu tư, NĐT cá nhân quay lại là lực mua lớn nhất trên thị trường với giá trị mua ròng khớp lệnh trên 1.363,2 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại ghi nhận bán ròng 1.168 tỷ đồng, là bên bán ròng mạnh nhất trong phiên. NĐT tổ chức trong nước cũng ghi nhận bán ròng 212 tỷ đồng, trong khi tự doanh mua ròng 17 tỷ dồng qua khớp lệnh.

NĐT cá nhân vẫn duy trì mua ròng trên 1.300 tỷ đồng mặc khối ngoại xả hàng - Ảnh 1.

Giao dịch khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Fiinpro).

Dòng tiền NĐT cá nhân tập trung nhóm tài nguyên cơ bản (thép) và bất động sản, ngân hàng giảm nhiệt

NĐT cá nhân vẫn duy trì mua ròng trên 1.300 tỷ đồng mặc khối ngoại xả hàng - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trong phiên 21/6, dòng tiền NĐT cá nhân khá dàn trải. Họ mua ròng 14/18 ngành. Khi điểm mua xuất hiện sau những nhịp điều chỉnh, các cá nhân trong nước tập trung mua mạnh nhóm này với giá trị vào ròng 516,7 tỷ đồng. Tài nguyên cơ bản (thép) tiếp tục duy trì sức hút khi được mua ròng 304,8 tỷ đồng.

Bên cạnh hai nhóm dẫn đầu, dòng tiền NĐT cá nhân lan tỏa sang những cổ phiếu khác. Sau giai đoạn chốt lời, cổ phiếu ngân hàng bất ngờ thu hút dòng tiền bắt đáy trở lại. Sắc đỏ bao trùm nhưng nhóm này vẫn đóng góp 186,7 tỷ đồng giá trị mua ròng qua khớp lệnh.

Tại chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng không nhiều 4 nhóm cổ phiếu bao gồm: hàng cá nhân & gia dụng, dầu khí, bán lẻ và hóa chất. Giá trị bán ròng khớp lệnh tại mỗi nhóm đều dưới 20 tỷ đông.

Cổ phiếu NVL, HPG dẫn đầu chiều mua ròng

NĐT cá nhân vẫn duy trì mua ròng trên 1.300 tỷ đồng mặc khối ngoại xả hàng - Ảnh 3.

Top cổ phiếu được NĐT cá nhân mua bán ròng mạnh nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va là tâm điểm mua ròng trong phiên 21/6. Theo ghi nhận, NĐT cá nhân vào ròng giá trị 365,4 tỷ đồng qua lênh khớp lệnh. Lực mua từ NĐT cá nhân đối ứng với lực xả hàng từ khối ngoại. 

Sau khi công bố thông qua kế hoạch phát hành hơn 385 triệu cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại ngày 17/6, khối ngoại đã chuyển sang bán NVL. Đáng chú ý, trong phiên 21/6, NVL là cổ phiếu chịu áp lực xả lớn nhất từ NĐT nước ngoài với giá trị 362,2 tỷ đồng. Đóng cửa, NVL tăng 5,83% lên mức 109.000 đồng/cp.

Theo sau NVL, khối ngoại tiếp tục xả thêm 336 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Hòa Phát. Tuy vậy, lực bán này cũng được các cá nhân trong nước hấp thụ. Theo ghi nhận, giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh cổ phiếu HPG của các nhà đầu tư trong nước đạt 352,6 tỷ đồng.

Đây là cổ phiếu "quen thuộc" trong danh mục mua ròng của NĐT cá nhân kể từ tháng 6. Được biết từ ngày 22/6, gần 1,16 tỷ cổ phiếu HPG phát hành trả cổ tức sẽ được niêm yết bổ sung trên sàn HOSE.

NVL và HPG là 2 cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 300 tỷ đồng. Lực mua của NĐT cá nhân dàn trải khá đều ở các cổ phiếu khác. VNM (121,9 tỷ đồng) và CTG (110,3 tỷ đồng) là các mã vốn hóa lớn thu hút dòng tiền trong phiên.

Cổ phiếu FLC cũng đột ngột thu hút giá trị vào ròng 90,1 tỷ đồng trong phiên 21/6. Sau chuỗi tăng điểm liên tiếp, FLC đóng cửa ở 14.400 đồng/cp, giảm 4,95%.

Một số mã được NĐT cá nhân mua ròng là GEX (88,3 tỷ đồng), SSI (85,6 tỷ đồng), VPB (57,4 tỷ đồng), SBT (43,4 tỷ đồng), và POW (37,4 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, không có cổ phiếu nào ghi nhận giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng từ NĐT cá nhân. Hai cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM và VCB được NĐT cá nhân chốt lời nhẹ sau giai những phiên giao dịch sôi nổi. Giá trị rút ròng tại 2 mã này lần lượt là 79,4 tỷ đồng và 69,3 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu nằm trong top bán ròng của NĐT cá nhân gồm HSG (49,6 tỷ đồng), MSN (48 tỷ đồng), STB (43,6 tỷ đồng), DGC (23 tỷ đồng), KDH (22,4 tỷ đồng), TCB (13,3 tỷ đồng), GMD (13,2 tỷ đồng) và PVD (11,5 tỷ đồng)

Thảo Bùi