|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang mất giá với USD ra sao?

14:39 | 07/11/2023
Chia sẻ
Trong các đối tác thương mại chính, từ đầu năm đến nay, yen Nhật mất giá nhiều nhất hơn 14% trong khi đó đồng nhân dân tệ mất khoảng 5,8% giá trị, won Hàn Quốc mất khoảng 3,7%.

Từ năm 2022 đến nay, hầu hết đồng tiền trên thế giới đều suy yếu so với đồng USD trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,... cũng không ngoại lệ. 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 175,57 tỷ USD, tiếp theo là Mỹ (123,86 tỷ USD), Hàn Quốc (86,38 tỷ USD), Nhật Bản (47,61 tỷ USD).

Trung Quốc cùng với Mỹ là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2022. Ở chiều nhập khẩu, Trung Quốc là đối tác lớn nhất, các thị trường xếp sau là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, Mỹ.

 

 

Trong các đối tác thương mại chính, từ đầu năm đến nay, yen Nhật mất giá nhiều nhất (-14%).Theo dữ liệu từ Investing, 1 USD Mỹ đổi được 149,5 yen (ngày 6/11). Trong khi đó đồng nhân dân tệ mất khoảng 5,8% giá trị, won Hàn Quốc mất khoảng 3,7%.

Ở khu vực ASEAN, một số đồng tiền đang giao dịch ở mức thấp nhất trong năm khi chỉ số USD Index (DXY) liên tục tăng. Trong đó, đồng ringgit của Malaysia và đồng baht của Thái Lan giảm mạnh nhất.

 

Yen Nhật sẽ còn xuống thấp hơn nữa

Nhật Bản, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, hiện vẫn đang duy trì chính sách lãi suất âm, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đến nay vẫn giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%, bất chấp làn sóng nâng lãi trên thế giới và lạm phát đã trên mục tiêu 2% hơn một năm qua.  

Mới đây, Reuters dẫn nhận định của các quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng đồng yen có thể mất giá hơn nữa khi lãi suất tại Mỹ sẽ ở mức cao trong thời gian dài và Nhật Bản vẫn duy trì chính sách lãi suất âm.   

Tháng 9 và 10 năm ngoái, Nhật Bản mua yen để hỗ trợ giá nội tệ. Khi đó, yen xuống thấp nhất 32 năm so với USD, về 151,9 yen đổi một USD. Đây là lần đầu tiên họ can thiệp vào thị trường kể từ năm 1998.    

 Trục tung của biểu đồ được đảo ngược.

Bàn về tác động đến Việt Nam khi yen Nhật mất giá, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, Founder TOPI cho biết các nhà đầu từ thường quan tâm tới USD và coi đó như một chỉ số dẫn dắt toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách sâu sắc hơn về những yếu tố tác động tới thị trường, cần nhìn vào những quốc gia thực sự có hoạt động thương mại đối với Việt Nam.

Ông Tuấn cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia mà nhà đầu tư cần quan tâm vì nó sẽ tác động thực sự đến giá trị của tiền đồng. CEO AFA Capital giải thích rằng tỷ giá trung tâm  của VND được xác định bởi sức mạnh của 6 đầu tiền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. 

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu  của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,23 tỷ USD vào năm 2022, trong khi nhập khẩu  từ Nhật Bản đạt 23,57 tỷ USD. 

“Chính vì vậy, sự biến động của JPY sẽ tác động cả hai chiều đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”, ông Tuấn cho biết. 

Ngoài ra, chuyên gia lưu ý rằng Nhật Bản đang nằm trong danh sách những quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam nhiều nhất. Trong trường hợp lợi suất hay lãi suất tại Nhật Bản tăng lên, chắc chắn họ sẽ giảm đầu tư ra nước ngoài.

Trung Quốc nới lỏng tiền tệ, tăng thêm sức ép lên nhân dân tệ 

Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, hiện vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Việc đi ngược với nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu, hạ lãi suất để kích thích kinh tế trong bối cảnh các nước khác tăng lãi để ghìm lạm phát tăng thêm sức ép lên đồng nhân dân tệ, làm dấy lên rủi ro dòng vốn rời Trung Quốc.

Từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ đã mất 5,8% so với USD và là một trong những đồng tiền có diễn biến tệ nhất châu Á.  

 

Nhiều đồng tiền ở ASEAN giao dịch ở mức thấp nhất trong năm

Ở khu vực ASEAN, đồng ringgit và đồng baht giảm mạnh nhất so với USD trong năm nay, lần lượt giảm 7,8% và 4% tính đến ngày 6/11. Tiền đồng của Việt Nam giảm 3,8%, trong khi đồng rupiah của Indonesia và đồng đô la Singapore giảm nhẹ lần lượt 2% và 1,9% so với đồng bạc xanh.

Việc các đồng tiền mất giá trên diện rộng xuất phát từ tăng trưởng kinh tế của Mỹ, làm tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và USD tăng giá. Các diễn biến ở Mỹ khiến một số nhà đầu tư kết luận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài để chống lạm phát.

Lãi suất cao hơn ở Mỹ sẽ hút tiền về nước này, do các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Do đó, dòng vốn sẽ chảy ra khỏi Đông Nam Á và làm suy yếu các đồng tiền trong khu vực.

Theo Nikkei, ở Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài bán ra đồng baht do thiếu niềm tin vào nền kinh tế và lo ngại về vấn đề tài chính, nhất là về kế hoạch phát tiền kỹ thuật số gây tranh cãi của chính phủ. Kế hoạch này ước tính tạo ra 15 tỉ USD nợ công mới.

Đồng baht của Thái Lan do đó không chỉ yếu đi mà còn biến động mạnh, khiến các nhà xuất khẩu cũng khó tận dụng được việc mất giá. Ủy ban Thường vụ hỗn hợp Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan đã kêu gọi chính phủ nước này cố gắng ổn định đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Trong khi đó, đồng tiền của Malaysia đã bị ảnh hưởng bởi chênh lệch lãi suất ngày càng lớn với Mỹ. Đồng thời, đồng ringgit chịu áp lực suy yếu do Malaysia tiếp xúc nhiều hơn với kinh tế Trung Quốc, nơi đang có mức tăng trưởng không như kỳ vọng.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Đào

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.