Dòng tiền chảy mạnh trên thị trường trái phiếu
6 tháng, huy động 140.037 tỷ đồng TPCP
Dữ liệu vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cập nhật cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên thị trường sơ cấp trái phiếu chính phủ, HNX đã tổ chức 134 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ, huy động được 140.037 tỷ đồng trên tổng số 176.910 tỷ đồng gọi thầu.
Trong đó, riêng Kho bạc Nhà nước đã huy động được 122.417 tỷ đồng, đạt 67,2% kế hoạch năm; Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 6.220 tỷ đồng, đạt 67,24% kế hoạch; Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 11.400 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch năm.
Không chỉ tăng mạnh về giá trị trái phiếu chính phủ huy động được, mà tín hiệu tích cực trên thị trường này là kỳ hạn phát hành bình quân đã được kéo dài ra 13,8 năm, tăng 5,53 năm so với năm 2016, nhờ tỷ lệ trúng thầu trái phiếu các kỳ hạn từ 15 năm trở lên chiếm tới 45,8% tổng khối lượng trúng thầu toàn thị trường.
Điểm đáng chú nữa trên thị trường trái phiếu 6 tháng đầu năm nay, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc phụ trách HNX, là cơ cấu nhà đầu tư vận động theo chiều hướng tích cực hơn khi có sự tham gia nhiều hơn của các công ty bảo hiểm.
Với sự tham gia sôi động của các nhà đầu tư, lãi suất trúng thầu trái phiếu chỉnh phủ 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm trên tất cả các kỳ hạn. Chẳng hạn, lãi suất trúng thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm từ 0,11 - 0,71%/năm so với cuối năm 2016. Trong đó, kỳ hạn 20 năm có lãi suất giảm mạnh nhất là 0,71%/năm, tiếp đến là kỳ hạn 15 năm giảm 0,56%/năm, kỳ hạn 30 năm giảm 0,43%/năm so với cuối năm 2016.
Sự sôi động trên thị trường sơ cấp đã lan tỏa sang thị trường thứ cấp. Bà Lan cho biết, 6 tháng qua, giao dịch bình quân trên thị trường sơ cấp tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước khi đạt 7.000 - 8.000 tỷ đồng/phiên, có phiên đạt tới 10.000 tỷ đồng. Trong khi giao dịch bình quân trên thị trường sơ cấp trong năm 2016 là khoảng 6.000 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, bà Lan cho biết, độ sâu của thị trường tiếp tục được củng cố. Tại các nước có thị trường trái phiếu phát triển mạnh, giao dịch repo thường chiếm 60 - 80% tổng giá trị giao dịch trên thị trường, còn lại là giao dịch outright. Chẳng hạn như tại Mỹ, giá trị giao dịch repo chiếm tới 80 - 90% giá trị giao dịch của thị trường. Tính thanh khoản của giao dịch repo được xem là thước đo độ sâu của thị trường trái phiếu.
Năm 2016, thị trường trái phiếu chính phủ ghi nhận một bước tiến mới khi giá trị giao dịch repo đã vượt lên gần ngang với giao dịch outright, đạt mức gần 40% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều này thể hiện thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam đã đi vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu.
Xu hướng này tiếp tục có sự vận động tích cực hơn, khi cuối tháng 6/2017 giao dịch repo chiếm bình quân 48% tổng giá trị giao dịch trên thị trường.
“Độ sâu của thị trường cải thiện nhờ thị trường cơ sở ngày một vững chắc, lành mạnh, thanh khoản tốt...”, bà Lan nói.
Kỳ vọng thị trường sôi động hơn khi có thêm sản phẩm mới
Trực tiếp điều hành khối kinh doanh trái phiếu, Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhìn nhận, hệ thống ngân hàng thương mại vẫn là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu chính phủ, trong khi thanh khoản của các tổ chức này hiện khá dồi dào trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang vận động theo chiều hướng tích cực, giúp thị trường trái phiếu sôi động hơn trong thời gian tới.
Điều này cộng với tỷ giá khá ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt là những yếu tố dự báo sẽ giúp thị trường tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại chảy vào thị trường trái phiếu ít nhất từ nay đến cuối năm.
“Trái phiếu chính phủ Việt Nam đang là kênh đầu tư khá hấp dẫn trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài. Lý do là nền tảng vĩ mô khá ổn định, lạm phát duy trì ở mức thấp, trong khi mặt bằng lãi suất huy động trái phiếu chính phủ tuy có giảm trong thời gian gần đây, nhưng so với nhiều thị trường lân cận thì vẫn ở mức cao”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài dự báo.
Liên quan đến diễn biến tích cực của dòng vốn ngoại, cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng 666 triệu USD trái phiếu chính phủ Việt Nam. Dẫu vậy, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên thị trường trái phiếu chính phủ trong nước hiện vẫn rất thấp.
Bởi vậy, cải thiện khả năng thu hút dòng vốn ngoại nói riêng, các dòng vốn khác tham gia nhiều hơn trên thị trường trái phiếu là bài toán đang đặt ra cho cả nhà quản lý lẫn tổ chức thị trường.
Đại diện cho tiếng nói của đơn vị tổ chức giao dịch thị trường trái phiếu, bà Lan cho biết, để cải thiện tính đa dạng về sản phẩm trên thị trường trái phiếu, qua đó thu hút mạnh hơn các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia thị trường, Thông tư 10/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 234/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đã mở ra hướng cho triển khai 2 sản phẩm mới là: vay trái phiếu chính phủ để bán và giao dịch bán kết hợp mua lại (sell/buy back).
Có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, việc triển khai sản phẩm mới sẽ thêm cơ hội cho dòng vốn chọn kênh đầu tư này.