|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đông Nam Á trước nguy cơ mất an ninh lương thực do COVID-19

20:58 | 10/02/2022
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng trên khắp khu vực Đông Nam Á, khiến nhiều người mất đi mạng sống, sinh kế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Không chỉ vậy, lạm phát gia tăng, đẩy giá lương thực tăng cao còn gây ảnh hưởng đến khả năng mua sắm của các hộ gia đình.

Điều này làm dấy lên quan ngại về tình trạng an ninh lương thực tại Đông Nam Á - vốn cho đến gần đây vẫn là chủ đề được quan tâm chính của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khu vực, Liên hợp quốc (LHQ) và từng quốc gia. 

An ninh lương thực - một trong những yếu tố cốt lõi của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của LHQ hiện được coi là ưu tiên của Đông Nam Á, đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19.

Giới chuyên gia khẳng định COVID-19 đã gây trở ngại đối với những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết các thách thức chính đối với an ninh lương thực, trong đó có biến đổi khí hậu và năng suất cây trồng, đồng thời làm lộ ra các "lỗ hổng", gây sức ép lớn đối với chuỗi cung ứng thực phẩm. 

Do đó, các nước Đông Nam Á - vốn được coi là mất an ninh lương thực và dễ tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu, được khuyến nghị cần hành động ngay lập tức.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sản xuất lương thực nội địa của Indonesia không đủ cung ứng cho dân số ngày càng tăng, trong khi nhập khẩu lương thực lại giảm do ảnh hưởng của đại dịch. COVID-19 đã làm gián đoạn sản xuất và phân phối trong nước, dẫn đến thiếu hụt các mặt hàng chủ lực như gạo, trứng và đường.

Tại Thái Lan, tình trạng hạn hán vào năm 2020 đã làm giảm sản lượng đường, khiến dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại dịch COVID-19 bùng phát càng làm giảm nhu cầu nhập khẩu đường, kéo theo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Thái Lan giảm 19% vào năm 2020.

Đường tinh luyện vốn được vận chuyển trong các container. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã gây ra những vấn đề về logistics, tắc nghẽn cảng và tăng chi phí vận chuyển hàng hóa. Những thách thức này không chỉ giới hạn ở Thái Lan mà trở thành vấn đề chung trên toàn khu vực. 

Để giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung lương thực trong giai đoạn đại dịch, việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, cũng như đảm bảo nguồn cung lao động đầy đủ và quản lý tốt các biện pháp kiểm soát biên giới trở nên vô cùng quan trọng.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp bền vững ở Đông Nam Á phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư. Do đó, các chính phủ cần ưu tiên và quan tâm tới lao động nhập cư, coi đây là một trong những yếu tố đảm bảo an ninh lương thực. 

Trong thời kỳ đại dịch, nguồn lao động nhập cư bị ảnh hưởng khi các nước siết chặt kiểm soát biên giới. Thái Lan đã chứng kiến xuất khẩu lương thực giảm sút mà nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ tình trạng thiếu lao động nhập cư do việc đóng cửa biên giới phòng, chống đại dịch. 

Trước đại dịch, quốc gia Đông Nam Á này có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu đến từ Myanmar, Campuchia và Lào.

Không chỉ vậy, Đông Nam Á, với dân số hơn 675 triệu người, còn đang phải đối mặt với những thách thức dai dẳng của biến đổi khí hậu, trong đó nhiều nước đang phải đối phó với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu khiến mực nước trên các con sông giảm mạnh, kéo theo hiện tượng xâm nhập mặn.

Đông Nam Á là khu vực phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế phức tạp, vì thế hậu quả của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực là rất rõ ràng. 

Do đó, giới chuyên gia cho rằng khi đại dịch dịu bớt và cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, các nước trong khu vực cần áp dụng mô hình an ninh lương thực mới có thể thích ứng với sự gián đoạn cả bên trong và bên ngoài. 

Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần tạo điều kiện để nông dân tăng năng suất, bảo vệ nguồn lao động nhập cư và đảm bảo tính bền vững của lương thực.