|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đồng Nai đề xuất lập khu thương mại tự do gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành

15:58 | 21/02/2025
Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị với Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh kiến nghị hàng loạt vấn đề trong đó có việc: Nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành; chấp thuận dự án khu du lịch phức hợp tại Khu Kinh tế Vân Đồn.

Loạt kiến nghị của các lãnh đạo địa phương gửi lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sáng 21/2. (Nguồn: VGP)

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế sáng 21/2, một loạt địa phương đã đưa ra kiến nghị với Thủ tướng, Chính phủ nhằm đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP được giao.

Nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành 

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao tăng trưởng kinh tế là 10%. Đây là nhiệm vụ nặng nề khi các cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh như Sân bay Long Thành, 5 khu đô thị-công nghiệp được Chính phủ phê duyệt chủ trương đang trong quá trình xây dựng, chưa đưa vào sử dụng.

Do đó, trong trong ngắn hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể như tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công với nguồn vốn đầu tư công được bố trí là 15.770 tỷ đồng, phấn đấu từ những quý đầu năm, hướng tới mục tiêu giải ngân 95%.

Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; xây dựng các kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện thuân lợi nhất đưa sân bay Long Thành, cảng Phước An... vào sử dụng, tạo điều kiện phát triển những năm tiếp theo. Tập trung thực hiện các thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, để đưa 5 khu đô thị - công nghiệp mới với tổng diện tích trên 2.700 ha vào hoạt động.

Đáng chú ý, tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 nhà tư nước ngoài với tổng số vốn là 682 tỷ USD, hai nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn là 1.386 tỷ đồng. Dù trong khu công nghiệp được Chính phủ cho phép thành lập, chưa hoàn thành hạ tầng, hiện đã có hơn 200 nhà đầu tư đăng ký với tổng vốn trên hai tỷ USD.

Địa phương cũng đang hoàn thiện hồ sơ thành lập khu công nghệ thông tin tập trung, đề nghị Chính phủ cho phép thành lập khu thương mại tự do, khu công nghệ cao, xây dựng cơ sở dữ liệu số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…; kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về dài hạn, ông Võ Tấn Đức cho biết địa phương chủ động triển khai tốt đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh; phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ bộ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thu hút các ngành nghề sản xuất bán dẫn, tự động hóa, dữ liệu lớn….

Xây dựng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa, áp dụng mô hình sản xuất hiện đại; khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, liên kết đào tạo các trường đại học nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo.

Chấp thuận dự án khu du lịch phức hợp tại Khu Kinh tế Vân Đồn 

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn, năm nay Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng cho tỉnh là 12%, nhưng tỉnh phấn đấu đạt hơn 14%. Quy mô GRDP của tỉnh hiện rất lớn, đã gần 347.000 tỷ đồng và nếu tăng trưởng 14% thì cần có mức tăng tuyệt đối là hơn 48.000 tỷ đồng.

Để làm được việc này, tỉnh đề xuất Chính phủ quan tâm tới ngành than. Bởi theo báo cáo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, hiện nay có 7 dự án thăm dò cấp phép mới và 7 dự án cần phải gia hạn.

Theo quy định cấp phép dự án cần gia hạn hiện nay là phải giám định máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ sử dụng trọng dự án đầu tư mới… ngay cả thủ tục này đối với ngành chuyên biệt như ngành than trong năm 2025 là rất khó khăn. Do đó, Quảng Ninh mong được xem xét tháo gỡ.

Đối với khu du lịch phức hợp cao cấp tại Khu Kinh tế Vân Đồn, trong tuần tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ trình Bộ Chính trị, Chính phủ về chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Đồn. Trước mắt, tỉnh mong muốn Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương triển khai vì đây là dự án với tổng mức đầu tư một tỷ USD, nếu được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất sẽ đóng góp vào tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

Liên quan đến Nhà máy ô tô Thành Công, ông Ấn cho biết đây là nhà máy hứa hẹn tạo ra "cú hích" tăng trưởng lớn cho kinh tế Quảng Ninh. Vì vậy, cần có những chính sách đặc biệt đối với doanh nghiệp, nhất là chính sách thuế, tương tự như ở trong Khu Kinh tế.

Liên quan việc bổ sung quy hoạch điện gió trong Quy hoạch điện VIII, trong các sản phẩm của các Khu công nghiệp phức hợp hiện nay yêu cầu trong sản phẩm có "sản xuất xanh" và có cơ cấu tái tạo, vì vậy tỉnh mong muốn tăng tỷ lệ điện tái tạo, Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét tăng các dự án điện gió của tỉnh Quảng Ninh.

Tham gia đầu tư làm đường sắt đô thị kết nối Hà Nội

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã đặt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản được giao 14-15%/năm. Qua rà soát, đánh giá Bắc Giang xác định tỉnh còn nhiều lợi thế, dư địa cho phát triển như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp...

Tuy nhiên, để kịp thời kháo gỡ vướng mắc và mâu thuẫn giữa các quy hoạch, định hình lại không gian phát triển tạo động lực cho phát triển mới, Chủ tịch UBND Bắc Giang đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh được nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch tỉnh Bắc Giang trong năm 2025.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai dự án xây dựng cầu Sơn Giang và cầu Cẩm Lý nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông, tăng cường liên kết giữa vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng.

Hiện tỉnh có tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn đi qua rất gần với tuyến đường sắt đô thị Hà Nội. Do đó, Chủ tịch UBND Bắc Giang đề nghị Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu sớm đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn giai đoạn 2025-2030 và tạo điều kiện cho Bắc Giang cũng như các tỉnh lân cận được đầu tư hệ thống đường sắt đô thị kết nối với hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội.

Bắc Giang cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng, các bộ, ban, ngành xem xét đặt trung tâm nghiên cứu thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh; quan tâm hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư uy tính trong lĩnh vực logictics, công nghiệp bán dẫn, nghiên cứu phát triển nhằm xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn của tỉnh. 

Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường ven biển ĐBSCL

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết, thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên. 

Để đạt được kết quả này, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, đặt mục tiêu hoàn thành cầu Rạch Miễu 2 vào dịp 2/9/2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre và các dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, kết nối Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh.

Về phát triển công nghiệp, tỉnh tập trung hoàn thành Khu công nghiệp Phú Thuận, đồng thời kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp này cũng như Cụm công nghiệp An Nhơn trong thời gian tới.

Bến Tre đã xác định chiến lược phát triển hướng Đông, tập trung khai thác tiềm năng kinh tế biển và hạ tầng ven biển. Với định hướng này, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, với tổng giá trị các dự án được cấp chủ trương đầu tư và ký kết trên địa bàn tỉnh lên tới 310.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 13 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai là đẩy nhanh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng liên kết và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển ngành dừa hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị xuất khẩu, đưa thương hiệu dừa Bến Tre vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

Tỉnh cũng xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo động lực tăng trưởng bền vững.

"Chính phủ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường ven biển ĐBSCL, kết nối với TP HCM; xây dựng các cây cầu liên tỉnh nhằm hình thành hành lang kinh tế quan trọng, giúp thúc đẩy giao thương, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các tỉnh ven biển phía ĐBSCL",  ông Trần Ngọc Tam kiến nghị. 

Ngọc Bảo