Động lực nào cho tăng trưởng 2017?
Xung lực từ những hiệp định thương mại tự do đã và sẽ tiếp tục phát huy những tác động tích cực đối với tăng trưởng, đặc biệt ở khía cạnh thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Tăng trưởng 2016 thấp do hai nguyên nhân chính
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, trong đó quí 1 tăng 5,48%; quí 2 tăng 5,78%; quí 3 tăng 6,56%; quí 4 tăng 6,68%. Mức tăng 6,21% như trên thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,3-6,5% mà Chính phủ đặt ra trong cuộc họp vào cuối quí 3. Có hai nguyên nhân chính khiến GDP tăng trưởng không đạt kỳ vọng.
Thứ nhất là khu vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011. Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm - thủy sản chỉ tăng 1,36% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011. Sự khó khăn của khu vực nông - lâm - thủy sản trong năm 2016 chủ yếu do diễn biến bất lợi của thời tiết. Mặc dù đã dần lấy lại đà tăng trưởng nhẹ trong hai quí cuối năm nhưng do mức sụt giảm khá mạnh trong quí 1 (-1,31%), tăng trưởng cả năm của khu vực nông - lâm - thủy sản vẫn ở mức thấp.
Thứ hai là do ngành khai khoáng sụt giảm. Mặc dù khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng GDP nhưng mức tăng của khu vực này trong năm nay cũng chỉ đạt 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm 2015. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự sụt giảm của ngành khai khoáng với mức tăng trưởng âm (-4%), làm giảm 0,33 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng GDP chung. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô năm 2016 giảm 10% (tương đương 1,67 triệu tấn) và khai thác than giảm 3% (tương đương 1,26 triệu tấn). Về cơ bản, xu hướng ngành công nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng là điều cần thiết, giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, bản chất sự sụt giảm của ngành khai khoáng trong năm 2016 phần nhiều là do yếu tố khách quan khi giá xuất khẩu dầu thô và than đá sụt giảm, kéo theo sự đi xuống của sản lượng khai thác trong nước.
Động lực nào cho tăng trưởng 2017?
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017 là 6,7%. Để đạt được mục tiêu này, ước tính cả ba khu vực chính trong GDP đều cần đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2016. Cụ thể, khu vực nông - lâm - thủy sản cần tăng trưởng từ 2-2,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng cần tăng trưởng 9,5-10%; khu vực dịch vụ cần tăng trưởng 6,5-7%. Một số yếu tố có thể kỳ vọng sẽ giúp GDP đạt mức tăng tích cực trong năm 2017 là:
Thứ nhất, dự báo hiện tượng El Nino có xu hướng yếu dần trong năm 2017. Thời tiết thuận lợi sẽ giúp gia tăng sản lượng các mặt hàng nông sản, góp phần vực dậy tốc độ tăng trưởng của khu vực nông - lâm - thủy sản. Tuy nhiên, hiện tượng xâm nhập mặn nhiều khả năng vẫn sẽ có diễn biến phức tạp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thêm vào đó, những sự cố bất thường tương tự như ô nhiễm môi trường biển miền Trung trong năm 2016 cũng là những rủi ro cần lưu ý.
Thứ hai, Chính phủ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong năm 2016, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong sáu tháng đầu năm khá chậm và chỉ sau khi có Công điện số 2144/CĐ-TTg ngày 29-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thì tình hình mới được cải thiện, giúp tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2016 đạt 81,6% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, giải ngân từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng đạt kết quả thấp, cả năm chỉ đạt 55,2% so với kế hoạch mặc dù tình hình phát hành TPCP của Kho bạc Nhà nước năm nay rất thuận lợi. Do vậy, trong năm 2017, để tạo động lực cho tăng trưởng, Chính phủ nhiều khả năng sẽ tập trung chỉ đạo và tháo gỡ các vướng mắc để vốn đầu tư công được giải ngân hiệu quả ngay trong các tháng đầu năm.
Thứ ba, kết quả bước đầu của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế có thể tiếp sức cho tăng trưởng. Năm 2016 tuy là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhưng cũng đã đạt được những thành quả nhất định như tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng giảm, tiến trình IPO và niêm yết của các doanh nghiệp nhà nước có nhiều chuyển biến... Sự kế thừa từ những thành quả này cùng những giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho tiến trình tái cơ cấu kinh tế sẽ góp phần tạo ra xung lực, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP.
Thứ tư, tiến trình hội nhập được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017. Năm 2016, một trong những tin tức kém tích cực nhất đối với tiến trình hội nhập của Việt Nam là tương lai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở nên mờ mịt sau kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo đó, những kỳ vọng liên quan đến thu hút mạnh vốn FDI hay tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng vào thị trường Mỹ, điển hình là dệt may, đã tạm thời bị chững lại trong các tháng cuối năm. Tuy vậy, ngoài TPP thì Việt Nam đã ký kết khá nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng khác như EVFTA với EU, VKFTA với Hàn Quốc, VN-EAEU FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu... Xung lực từ những hiệp định này đã và sẽ tiếp tục phát huy những tác động tích cực đối với tăng trưởng, đặc biệt ở khía cạnh thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam cũng đang tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu nước mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Mặc dù các chuẩn mực của RCEP có phần thấp hơn so với TPP nhưng RCEP lại chấp thuận việc các nước thành viên đặt các rào cản thương mại không đồng nhất. Điều này sẽ giúp tạo ra tính linh động, giúp các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn như Việt Nam có thêm thời gian để thích nghi. Tuy vậy, cần lưu ý là RCEP hiện vẫn đang trong vòng đàm phán và chưa biết thời điểm nào mới có thể kết thúc. Do vậy, hiệp định này hiện mới chỉ mang tính kỳ vọng, hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn chứ chưa thể phát huy ngay tác động tích cực tới tăng trưởng trong năm 2017.