|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đông Hải Bến Tre muốn được bơm thêm hơn 1.200 tỷ đồng từ các ngân hàng

07:20 | 19/02/2022
Chia sẻ
Tính đến cuối năm 2021, DHC chỉ đi vay ngắn hạn hơn 370 tỷ đồng trong hơn 700 tỷ đồng nợ phải trả.
Đông Hải Bến Tre muốn được bơm thêm hơn 1.200 tỷ đồng từ các ngân hàng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: DHC).

Hội đồng quản trị CTCP Đông Hải Bến Tre (Mã: DHC) vừa công bố nghị quyết vay tối đa 1.100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), vay 50 tỷ đồng từ Ngân hàng Shinhan Việt Nam và 5 triệu USD từ Ngân hàng CTBC. Mục đích vay nhằm bổ sung vốn lưu động theo kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Hiện DHC chưa công bố cụ thể kế hoạch năm 2022.

Đối với khoản tín dụng với Vietcombank, tài sản thế chấp là các tài sản thuộc sở hữu của DHC, bao gồm máy in màu, xe ô tô, toàn bộ tài sản thế chấp gắn liền với đất, các máy móc thiết bị chính của dự án sản xuất giấy Kraft và toàn bộ tài sản thuộc Nhà máy Giấy Giao Long giai đoạn 2.

Còn khoản vay với Shinhan được gia hạn từ ngày 9/10/2021 đến 9/10/2022, được đảm bảo bằng các khoản phải thu giá trị 60 tỷ đồng từ khách hàng.

Khoản vay với Ngân hàng CTBC nhằm phát hành L/C, phát hành bảo lãnh ngân hàng (thư tín dụng dự phòng), vay thanh toán nhờ thu và vay ngắn hạn thanh toán nguyên vật liệu. Công ty đem các khoản phải thu từ khách hàng trị giá 5 triệu USD để đảm bảo cho khoản vay từ Ngân hàng CTBC nói trên.

Tính đến cuối năm 2021, DHC chỉ đi vay ngắn hạn hơn 370 tỷ đồng, trong đó 177 tỷ đồng từ Vietcombank, Shinhan gần 29 tỷ và CTBC hơn 28 tỷ đồng. Số tiền 145 tỷ đồng DHC vay dài hạn từ Vietcombank từ đầu năm đã được trả hết.

Theo kế hoạch công bố vào cuối năm ngoái, DHC sẽ đầu tư vào công ty sản xuất giấy với số vốn 1.000 tỷ đồng, trong đó, DHC sẽ nắm trên 95% vốn điều lệ. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Trước đó cổ đông đã thông qua kế hoạch đầu tư CTCP Bao bì Đông Hải với tổng vốn 250 tỷ đồng. Dự kiến hoạt động chính thức năm 2024.

Ban lãnh đạo từng dự báo thời gian sắp tới sẽ là giai đoạn cạnh tranh gay gắt của ngành giấy bao bì, tuy nhiên công ty cũng nhìn nhận vẫn có những cơ hội từ xu hướng phát triển của ngành giấy (dự đoán tăng trưởng 10%/năm). Dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng hướng đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều bao bì.

Về tình hình kinh doanh, năm 2021 vừa qua, DHC ghi nhận 4.164 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế hơn 481 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 23% so với kết quả năm 2020. 

Trong đó riêng quý IV, doanh thu 1.119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 93 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và giảm 40% so với cùng kỳ.

Công ty cho biết, trong kỳ sản lượng sản xuất và bán ra tăng. Tuy nhiên, giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn tới giá vốn tăng cao.

Minh Hằng