|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đồng euro hưởng lợi khi vị thế đồng bạc xanh giảm, tỷ lệ dự trữ USD tại các NHTW thấp nhất trong 25 năm

08:46 | 14/10/2021
Chia sẻ
Việc Mỹ tăng mức trần nợ được các chuyên gia cho là có nguy cơ làm lung lay vị thế của đồng USD, tạo cơ hội cho euro gia tăng sức ảnh hưởng.

Những tranh cãi về trần nợ của Mỹ và sự vươn lên của đồng euro trong việc phát hành trái phiếu liên quan đến các mục tiêu môi trường, phát triển bền vững đang mang đến nhiều thay đổi cho nền tài chính toàn cầu. 

Theo Reuters, vị thế của đồng USD vốn là tài sản dự trữ an toàn của Kho bạc nhưng với xu thế hiện nay, một ngày nào đó đồng euro có thể chiếm giữ vị trí này.

Tăng mức trần nợ gây ảnh hưởng tới USD như thế nào?

Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 22 nghìn tỷ USD là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu với chiều sâu và tính thanh khoản hàng đầu. Được coi là một tài sản siêu an toàn không bao giờ lo vỡ nợ, trái phiếu chính phủ làm cơ sở cho đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ số một thế giới. 

Tuy nhiên, nếu như Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ như những lo ngại gần đây thì có vẻ điều này đang thay đổi.

Khi Kho bạc hết lần này đến lần khác thay đổi các giới hạn vay nợ, sự phân cực trong Quốc hội Mỹ cũng ngày càng tăng. Thực tế, cuộc bỏ phiếu đơn giản với quyết định tăng trần nợ lại bị kéo dài và biến thành một loạt các cuộc khủng hoảng dai dẳng. 

Cho dù là nguy cơ vỡ nợ vào tháng 10 này đã được ngăn chặn nhưng tình trạng bế tắc này có thể sẽ tiếp tục vì điều quan trọng là Mỹ phải tìm ra giải pháp dài hạn hơn, chậm nhất là đến tháng 12 tới đây.

Vị thế đồng USD giảm, đồng euro tăng lên vì khủng hoảng trần nợ của Mỹ - Ảnh 1.

Đồng USD sẽ dần mất đi thế độc tôn nếu tình hình tài chính của chính phủ Mỹ không cải thiện. (Nguồn: Reuters).

Dĩ nhiên, điều này cũng không có nghĩa là đồng USD sắp bị đánh bật khỏi vị thế là đồng tiền dự trữ, an toàn nhất thế giới. Sự thay đổi trạng thái dự trữ diễn ra trong nhiều thập kỷ và thực tế thì cho đến nay, hầu hết thương mại toàn cầu vẫn được lập hóa đơn bằng đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, một quá trình thay đổi có thể đang diễn ra và nếu không có biện pháp khắc phục thì Mỹ sẽ dần “nhường sân” của đồng USD cho các “đối thủ” mạnh như đồng euro. 

Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra vì gần đây, nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp lớn đã nhiều lần cảnh báo về thiệt hại tài chính bắt nguồn từ việc chính phủ Mỹ đang coi mức trần nợ như một vũ khí chính trị.

Ông Thomas Costerg, nhà kinh tế cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Pictet Wealth Management cho biết: "Mỗi lần điều này xảy ra, nó càng ngày càng làm suy giảm niềm tin của quốc tế đối với Kho bạc Mỹ và đồng USD”.

Theo một bài báo gần đây của Viện Brookings, ngay cả khi tình trạng dự trữ bị xói mòn một phần cũng sẽ gây ra những khoản thiệt hại đáng kể cho người nộp thuế ở Mỹ. 

Các tác giả ước tính rằng sự an toàn của Kho bạc làm giảm chi phí đi vay của chính phủ xuống trung bình 25 điểm cơ bản so với các tổ chức phát hành có chủ quyền lớn khác. Với mức nợ hiện tại, con số này chuyển thành khoản tiết kiệm lãi suất khoảng 60 tỷ USD trong năm nay và lên tới hơn 700 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Tỷ lệ dự trữ USD của các ngân hàng trung ương giảm xuống mức thấp nhất

Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tỷ lệ dự trữ USD do các ngân hàng trung ương nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua là 59% vào cuối năm 2020 và hiện tại cũng đang cố giữ mức suýt soát. 

Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) kết luận rằng từ năm ngoái, các nhà đầu tư đã bán trái phiếu chính phủ Mỹ và chuyển sang mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản, Đức. 

Một lời giải thích là các ngân hàng trung ương của thị trường mới nổi đã buộc phải bán trái phiếu trong cuộc khủng hoảng đại dịch. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của IIF Robin Brooks cũng lưu ý rằng trái phiếu không hoạt động như một nơi trú ẩn an toàn mà họ nên có trong cuộc khủng hoảng thị trường từ tháng 3/2020 do COVID-19. 

Một đợt bán tháo lớn xảy ra đã đẩy lợi suất lên cao hơn trước khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) can thiệp ổn định thị trường.

Đồng euro có cơ hội bứt phá, gia tăng vị thế và sức ảnh hưởng

Đồng euro hiện chiếm 1/5 dự trữ tiền tệ toàn cầu nhưng đã bị cản trở do thiếu tài sản "an toàn". Trái phiếu Đức được xếp hạng AAA chỉ đạt 1,6 nghìn tỷ euro (1,9 nghìn tỷ USD), một số tiền nhỏ so với thị trường Kho bạc Mỹ trên 20 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, những biến động trong hệ thống quản lý của chính phủ Mỹ, trái ngược với sự gắn kết của châu Âu suốt thời gian diễn ra đại dịch đã phần nào thay đổi tình hình. Châu Âu thành lập một quỹ chung trị giá 800 tỷ euro, dập tắt nguy cơ tan rã của khu vực đồng euro và sẽ làm tăng lượng tài sản bằng đồng euro được xếp hạng AAA.

Ông Christian Kopf, CIO về thu nhập cố định tại Union Investments cho biết ông đã rất ngạc nhiên trước nhu cầu về tài sản bằng đồng euro từ các khách hàng châu Á, đặc biệt là ở Hàn Quốc. Ông lưu ý rằng nguồn cung tài sản như vậy đạt tới 4 nghìn tỷ euro khi bao gồm tất cả các trái phiếu có xếp hạng AA- vẫn vững chắc.

Trong tương lai, đồng euro có thể gia tăng vị trí nhờ phát hành các trái phiếu đáp ứng tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), vốn tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích cho khí hậu hoặc xã hội.

Theo ông Marcus Pratsch, người đứng đầu bộ phận tài chính và trái phiếu bền vững tại Ngân hàng DZ, gần một nửa lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu mới được tính bằng đồng euro trong năm ngoái, trong khi đồng USD chỉ chiếm 28%.

Các ngân hàng trung ương muốn tiếp xúc nhiều hơn với ESG, một cuộc khảo sát năm 2019 của Morgan Stanley và IIF cho thấy. Nhật Bản tuần trước cho biết họ sẽ bắt đầu sử dụng dự trữ của mình để mua chứng khoán ESG. "Đồng euro sẽ vẫn là đồng tiền được tìm kiếm nhiều nhất trên thị trường trái phiếu bền vững, tăng cường hơn nữa vai trò quốc tế của nó", ông Pratsch dự đoán.

Thu Phương