|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đồng bath tăng giá, doanh nghiệp Thái 'thỏa sức' đầu tư nước ngoài

07:38 | 04/07/2017
Chia sẻ
Đồng bath liên tục tăng giá so với USD gây nên "cơn đau đầu" với giới chức Thái Lan, nhưng lại tạo lực hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Thái ra nước ngoài.
dong bath tang gia doanh nghiep thai thoa suc dau tu nuoc ngoai
Đồng bath tăng giá, doanh nghiệp Thái "thỏa sức" đầu tư nước ngoài.

Cách đây 2 thập kỷ, Thái Lan chính là điểm khởi đầu của khủng hoảng tài chính châu Á, khi chính phủ nước này loại bỏ việc neo giữ đồng bath với USD. Phá giá đồng tiền dẫn tới làn sóng lan tỏa ra thị trường tiền tệ trong khu vực, gây sốc với nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, đồng bath lại đang tạo ra thách thức đối với Thái Lan, nhưng lần này là bởi đồng tiền quá mạnh.

Việc Quỹ Dự trữ ngoại tệ của quốc gia này đang ở gần mức cao kỷ lục và tình trạng thặng dư tài khoản vãng lai khiến đồng bath trở nên “lấp lánh” hơn so với các đồng tiền trong khu vực, cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào trái phiếu Thái Lan. Năm 2016, đây là đồng tiền có sức mạnh nhất trong số các đồng tiền thuộc khu vực Đông Nam Á. Điều này gây thêm khó khăn cho giới chức Thái Lan, những người đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh xuất khẩu chiếm tới 70% GDP.

Đồng bath đã tăng giá 3,4% so với USD trong 12 tháng qua, mức cao nhất tại châu Á, chỉ sau đồng tiền Đài Loan và Ấn Độ, hiện giao dịch quanh khoảng 1 USD đổi 33,99 bath. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổ chức từng cung cấp các gói cứu trợ Thái Lan năm 1997, vừa đưa ra nhận định, sức mạnh của đồng bath đang quá lớn.

Một trong những yếu tố hỗ trợ sức mạnh của đồng bath là việc Quỹ Dự trữ ngoại tệ của Thái Lan đang ở mức cao gần kỷ lục. Năm 1997, Thái Lan đã bỏ neo đồng nội tệ với USD, sau khi Quỹ Dự trữ ngoại tệ teo tóp vì lạm phát. Đồng bath mất giá, không có khả năng trả các khoản nợ bằng USD, doanh nghiệp phá sản và nền kinh tế rơi vào suy thoái đã khiến Thái Lan nhận được 14,1 tỷ USD các khoản trợ giúp quốc tế để phục hồi.

dong bath tang gia doanh nghiep thai thoa suc dau tu nuoc ngoai

Sau một thời gian cải cách, hiện tại, Quỹ Dự trữ ngoại tệ của quốc gia này đạt mức 184,5 tỷ USD, cao thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và cao hơn 3 lần các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn, theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Chưa kể, trong quý I/2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Thái Lan ở mức 10% GDP. Vì vậy, không khó hiểu khi đồng bath được gia tăng sức mạnh.

Bất chấp nỗi lo của giới chức Thái Lan về những ảnh hưởng tiêu cực của đồng nội tệ mạnh tới xuất khẩu, các doanh nghiệp Thái đã tận dụng thời cơ này để tiến hành các thương vụ thu mua tài sản, đầu tư ra nước ngoài. Năm 2016, doanh nghiệp Thái Lan đầu tư 13 tỷ USD ra nước ngoài, mức cao nhất từ trước tới nay, theo số liệu từ Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển. Xu hướng này tiếp tục kéo dài sang năm 2017, khi theo Ngân hàng Trung ương quốc gia này, các khoản đầu tư ra nước ngoài từ tháng 1 tới tháng 4/2017 đạt 2,9 tỷ USD.

“Với đà tăng trưởng không quá tích cực tại quê nhà, các công ty Thái Lan đang ngày càng tham vọng tìm kiếm cơ hội để trở thành nhà vô địch trong khu vực, thậm chí toàn cầu”, Eugene Gong, Giám đốc M&A khu vực Đông Nam Á của Deutsche Bank AG cho biết.

Các công ty Thái Lan đều tập trung vào chiến lược đầu tư ra nước ngoài với nhiều thương vụ đầu tư, thu mua tài sản được thực hiện. Trong đó, Siam Cement Pcl (SCG), nhà sản xuất xi măng lớn nhất châu Á theo vốn hóa thị trường, đã mua một công ty sản xuất xi măng của Việt Nam với giá 440 triệu USD; hay hãng năng lượng tái tạo BCPG Pcl trả 358 triệu USD để mua cổ phần của Star Energy Group Holdings (Singapore).

Kể từ đầu năm tới nay, các thương vụ mua tài sản nước ngoài của doanh nghiệp Thái Lan đạt giá trị 1,5 tỷ USD, so với con số 1,7 tỷ USD cùng thời gian năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, con số này ở mức 48 tỷ USD, so với chỉ 19 tỷ USD của giai đoạn 5 năm trước đó.

Dòng vốn đầu tư từ Thái trong giai đoạn 2011-2016 chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài chính, lọc hóa dầu và khí đốt, sản xuất thực phẩm và nước uống, bán buôn, với điểm đến chính là khu vực Đông Nam Á, như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Astrit Sulstarova, chiến lược gia tại UNCTAD nhận định, xu hướng tích cực đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Thái Lan sẽ duy trì trong thời gian tới. Với các khoản đầu tư mới được công bố, thị trường sẽ còn chứng kiến dòng vốn FDI từ Thái Lan giữ xu hướng đi lên.

Lam Phong