|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đơn vị sở hữu truyền hình K+ lỗ luỹ kế hơn 3.700 tỷ, VTV muốn bán đấu giá 15% cổ phần

16:09 | 25/12/2021
Chia sẻ
Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+ được định giá khoảng 1.260 tỷ đồng căn cứ giá bán khởi điểm khi đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 3.700 tỷ đồng hết quý III.
Đơn vị sở hữu truyền hình K+ lỗ luỹ kế hơn 3.700 tỷ, Đài truyền hình Việt Nam bán đấu giá 15% cổ phần - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: truyenhinhkplus.vn

Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Đài truyền hình Việt Nam vừa đăng ký bán đấu giá công khai 15% trong tổng số 51% phần vốn sở hữu tại Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV - đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+). 

Giá khởi điểm của 15% phần vốn đấu giá này là gần 189 tỷ đồng, tương ứng với mức định giá tối thiểu 1.260 tỷ đồng. Thời gian chào bán ngay trong quý IV và quý I/2022.

Đơn vị sở hữu kênh K+ có vốn điều lệ hơn 344 tỷ đồng. Hiện VTV sở hữu 51% vốn tại K+ (tương đương vốn góp hơn 173 tỷ đồng) và Tập đoàn Canal Plus của Pháp nắm giữ 49%.

Trường hợp bán đấu giá công khai không thành công, Đài truyền hình Việt Nam sẽ thực hiện chào bán cạnh tranh. Trường hợp bán cạnh tranh bất thành sẽ chuyển sang bán theo thoả thuận.

Về VSTV, theo bản công bố thông tin, doanh nghiệp liên tục thua lỗ do khó khăn nội tại và cạnh tranh gay gắt từ thị trường truyền hình trả tiền. Năm 2019 lỗ sau thuế hơn 246 tỷ, năm 2020 lỗ 265 tỷ và 11 tháng đầu năm 2021 lỗ 241 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính tới ngày 30/9 là hơn 3.747 tỷ đồng.

Nguồn thu chính của VSTV là từ doanh thu thuê bao, một phần nhỏ từ doanh thu quảng cáo và bán thiết bị. 11 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 973 tỷ đồng doanh thu.

Năm 2021, VSTV dự kiến doanh thu khoảng 1.341 tỷ đồng, lỗ sau thuế 291 tỷ.

Đơn vị sở hữu truyền hình K+ lỗ luỹ kế hơn 3.700 tỷ, Đài truyền hình Việt Nam bán đấu giá 15% cổ phần - Ảnh 2.

Nguồn: Bản công bố thông tin của VSTV.

VSTV cho biết đơn vị này luôn phải hoạt động trong tình trạng thiếu vốn nên luôn phải dựa vào vốn vay dẫn tới chi phí lãi vay rất lớn. Từ năm 2016 Đài truyền hình Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng vốn nhưng không được chấp thuận. 

Dù đang lỗ nhưng VSTV vẫn phải tăng đầu tư nội dung với chi phí bản quyền ngày càng cao và đầu tư vào công nghệ để cạnh tranh với đối thủ bên cạnh nạn vi phạm bản quyền ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Xu hướng truyền hình trên nền tảng internet cũng là nguyên nhân khiến doanh thu của VSTV đi xuống. 

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản tại ngày 30/9 của VSTV là gần 886 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm gần 3.403 tỷ đồng do lỗ luỹ kế. Tổng nợ đi vay cuối quý III là 805 tỷ đồng. 

Đơn vị sở hữu truyền hình K+ lỗ luỹ kế hơn 3.700 tỷ, Đài truyền hình Việt Nam bán đấu giá 15% cổ phần - Ảnh 3.

Nguồn: Bản công bố thông tin của VSTV.

VSTV vẫn được coi là một kênh trẻ (thành lập năm 2009) khi so với các công ty truyền hình trả tiền khác tại Việt Nam như VTVCab (25 năm), SCTV (30 năm), VTC (31 năm). Doanh nghiệp cho biết đầu tư dịch vụ truyền hình trả tiền là đầu tư dài hạn. Trên thế giới, thời gian trung bình để một doanh nghiệp truyền hình trả tiền hoà vốn và có lãi là từ 7 - 15 năm, càng về sau thời gian để có lãi càng kéo dài. 

Hoàng Kiều