Đơn vị nào từng kiểm toán cho ngân hàng SCB?
Phiên tòa xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan diễn ra tại TAND thành phố Hồ Chí Minh từ 5/3. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng.
Là một vụ án có tổn thất kinh tế lớn nhất từ trước đến nay và cấu trúc sở hữu phức tạp, vấn đề về thanh tra và kiểm toán doanh nghiệp này đang được chú ý.
Theo các báo cáo tài chính năm đã công bố từ 2012 đến 2022, ngân hàng SCB được kiểm toán bởi những đơn vị có chất lượng hàng đầu là KPMG, Ernst & Young Vietnam (EY) và Deloitte. Đây là 3/4 công ty big 4 kiểm toán trên thế giới.
Trong báo cáo kiểm toán năm 2012 và báo cáo soát xét bán niên 2013 (kỳ kế toán đầu tiên ngân hàng lập báo cáo soát xét theo quy định), kiểm toán viên Ernst & Young Vienam từng lưu ý một số vấn đề, trong đó có nhắc đến rủi ro thanh khoản.
Cụ thể, SCB có các khoản nợ đã quá hạn thanh toán bao gồm tiền vay NHNN, tiền gửi và vay các TCTD khác và các khoản nợ khác, đồng thời cũng có một số khoản phải thu đã quá hạn nhưng chưa thu hồi được gây ra khó khăn về thanh khoản và hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng có các khoản phải thu bị quá hạn thanh toán nhưng được gia hạn nên không trích lập dự phòng theo quy định, một số khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp quá hạn cũng chưa lập dự phòng do chưa có quy định vào thời điểm đó...
Hay trong báo cáo tài chính năm 2021 (năm lãi đột biết), kiểm toán viên của KPMG có nêu vấn đề nhấn mạnh, lưu ý người đọc các thuyết minh liên quan đến phân loại nợ, dự phòng và xử lý lãi dự thu thuộc đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu 2019-2020.
Nhìn chung với các báo cáo kiểm toán và soát xét, kiểm toán viên chưa phát hiện ra vấn đề của ngân hàng, nêu ý kiến "báo cáo phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu", "phù hợp với chuẩn mực kế toán"…
SCB được thành lập vào ngày 26/11/2011, đi vào hoạt động ngày 1/1/2012 trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Vốn điều lệ ban đầu thành lập là 10.583 tỷ đồng và đến tháng 10/2022 đạt mức 15.231 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,52 tỷ cổ phiếu với tổng số 4.129 cổ đông được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công nhận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất từ năm 2012 đến năm 2022, tổng tài sản SCB gấp 5 lần từ 149.205 tỷ đồng (năm 2012) lên hơn 761.177 tỷ đồng (6 tháng năm 2022).
Về lợi nhuận trước thuế, giai đoạn năm 2012-2020, SCB báo lãi sau thuế quanh mốc từ khoản 40 tỷ đến dưới 200 tỷ đồng, trong đó năm thấp nhất là 43 tỷ đồng (2013), năm cao nhất là 176 tỷ đồng (2018).
Lợi nhuận lại tăng đột biến lên 1.140 tỷ đồng vào năm 2021. Còn theo báo cáo mới nhất, trong nửa đầu năm 2022, SCB lãi trước thuế 718 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ năm 2021.
Theo kết luận điều tra, tỷ lệ nợ xấu của SCB tại thời điểm 30/6/2017 là 20,92% nhưng báo cáo tài chính của ngân hàng chỉ ghi nhận 0,61% (theo quy định <3%). Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ CAR 6,5% trong khi con số SCB báo cáo là 10,06%. Tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dự nợ 62,95% trong khi số SCB báo cáo 55%…
Ngân hàng không thực hiện phân loại nợ xấu đối với các khoản nợ đã được tái cơ cấu nhiều lần, không trích lập dự phòng rủi ro và bỏ qua không tính vào hệ số CAR. Nếu tính đúng và đủ, vốn chủ sở hữu âm 22.289 tỷ đồng, lợi nhuận âm 35.038 tỷ đồng, số lỗ lũy kế/vốn điều lệ và các quỹ dự trữ -238%, hệ số CAR -4,24%.
Kết quả kiểm toán độc lập xác định tại ngày 30/9/2022 SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng.