Những 'cơn gió ngược' sẽ thổi vào ngành thuỷ sản trong năm 2023
Những cơn gió ngược
Trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, mặc dù có nhiều biến động xấu nửa cuối năm.
Theo Tổng Cục Thủy sản, năm 2022, tổng sản lượng đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn. Giá trị sản xuất thủy sản cũng tăng 3% so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22% so với kế hoạch 9 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm mang về kim ngạch 4,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021, cá tra thu được 2,4 tỷ USD, tăng 70%.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, ngành thuỷ sản được dự báo sẽ phải đón nhận nhiều “cơn gió ngược” từ suy thoái kinh tế và lạm phát. Ngay nửa cuối năm 2022, hoạt động xuất khẩu thuỷ sản cũng đã chững lại khi các nhà bán lẻ nhập khẩu tích trữ ồ ạt trong nửa đầu 2022, khi lạm phát ngày càng tăng cao làm thắt chặt chi tiêu người dân, dẫn đến tồn kho cao.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, công ty kết thúc hoạt động năm 2022 với những bước đi “chậm rãi” ở quý 4 do thị trường tiêu thụ trầm lắng và năm nay vụ nuôi tôm mùa nghịch bị dịch bệnh tấn công nên sản lượng tôm thương phẩm sụt giảm đáng kể.
“Sản xuất tôm thành phẩm của tháng 12 đạt 1.249 tấn. Lũy kế cả năm bằng 90% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chế biến giảm, chủ yếu ở quý 4 nguyên liệu ít vì nuôi tôm bị dịch bệnh, thiệt hại không nhỏ”, ông Lực cho biết.
Báo cáo tài chính quý IV của Sao Ta cho thấy doanh thu thuần sụt giảm 16% so với cùng kỳ năm trước đó về 1.211 tỷ đồng.
Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp đạt 13%, giảm 1 điểm % so với quý IV/2021. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 117% lên gần 36 tỷ đồng, chủ yếu do nguồn thu từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá tăng. Ngược lại, chi phí tài chính hơn 38 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ do lỗ chênh lệch từ tỷ giá. Trừ đi các chi phí hoạt động, Sao Tao báo lãi sau thuế 81 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Còn với Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam cho biết trong tháng 12/2022, doanh thu xuất khẩu giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 661 tỷ đồng.
Trong đó, mảng cá tra sụt giảm tới 44% còn 297 tỷ, là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm.
Xét theo thị trường xuất khẩu, hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc cùng báo doanh thu giảm 63% và 73%. Thị trường trong nước cũng ghi nhận sự giảm sút doanh thu 16%. Riêng thị trường châu Âu và các nước khác có cải thiện so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xuất khẩu thủy sản sẽ gặp áp lực lớn trong nửa đầu 2023, đặc biệt trên mức nền cao của nửa đầu năm 2022, sau đó sẽ dần có sự phục hồi trong nửa cuối 2023.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn giai đoạn 2020 – 2021. Đồng thời, nguồn cung cá tra Việt Nam cũng đang duy trì ở mức vừa phải, nên sẽ không xảy ra tình trạng giá nguyên liệu sụt giảm mạnh kéo theo giá bán giảm như giai đoạn 2018 – 2019.
Nếu như năm 2022, các doanh nghiệp thuỷ sản được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, tuy nhiên, lợi thế này được cho là không còn kéo dài trong năm 2023.
Chia sẻ trên chương trình Khớp Lệnh của VTV24, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng ngành thuỷ sản đang đối mặt với nhu cầu suy giảm trong khi tỷ giá đồng VND không mất giá quá nhiều so với USD. Trong năm 2023 có thể Fed không tăng lãi suất nhiều nên lợi về tỷ giá không còn lớn nữa.
Ngoài ra, giá tôm và cá tra nguyên liệu vẫn đang duy trì mức cao do nguồn cung thấp và giá thức ăn ở mức cao. VDSC cho rằng giá nguyên liệu có thể sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 do nhu cầu suy yếu, nhưng vẫn duy trì mức cao hơn so với 2021. Biên gộp của các doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm trong năm nay, do mức giảm giá bán nhanh hơn mức giảm giá nguyên liệu.
Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm.
Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ tại Mỹ đang đến SSI Research cho rằng những sự kiện này sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao.
“Chúng tôi dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn vào khoảng quý III năm 2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm đó. Trong bối cảnh người tiêu dùng giảm mức tiêu thụ, chúng tôi cho rằng doanh thu cá tra sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với doanh thu tôm”, SSI Research nhận định.
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, ông Hồ Quốc Lực cũng đưa ra những khuyến nghị cho doanh nghiệp thủy sản nói chung. Trong đó, ông nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ mua nguyên liệu đáp ứng cho đơn hàng đang có, tránh tăng tồn kho. Trường hợp có hàng tồn kho, doanh nghiệp cần giải phóng bằng giá mềm, hạn chế kẹt vốn, kẹt kho.
Mặc khác, doanh nghiệp nên tập trung nguồn lực vào sản xuất chính, không đầu tư tràn lan và cắt giảm chi tiêu, rà soát các định mức tiêu hao, rà soát tối ưu hoá quy trình chế biến.
Ngoài những giải pháp trên, ông Lực cũng nhấn mạnh hai quyết sách là cơ giới hóa, chuyển đổi số và xây dựng nền tảng, phát triển bền vững.
Trung Quốc mở cửa - điều mong đợi cho ngành thuỷ sản trong năm 2023
Ngày 8/1, Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và đây được xem là “chất xúc tác” cho ngành thuỷ sản trong năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu ở các thị trường lớn khác như Mỹ, EU ảm đạm.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết hiện Trung Quốc công nhận 802 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sang nước này. Mặc dù gặp khó khăn từ chính sách Zero COVID, hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc vẫn tăng mạnh mẽ. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này gần như tăng gấp đôi.
Do đó, việc Trung Quốc mở cửa từ ngày 8/1 càng tạo thuận lợi cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, đặc biệt là đối với những mặt hàng thuỷ sản tươi sống có giá trị cao như tôm hùm, cua.
“Trước kia, khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero COVID đường biên giới trên bộ bị kiểm soát nghiêm ngặt. Do đó, toàn bộ năm vừa rồi hàng tươi sống (thường xuất theo đường bộ) có giá trị cao như cua, tôm hùm, tôm sú không thể xuất được. Ngoài ra, năm vừa qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà toàn bộ cửa hàng ăn phải đóng cửa. Khi thị trường này mở cửa trở lại thì các mặt hàng cao cấp như tôm hùm, cua sẽ tăng rất mạnh mẽ”, ông Bá Anh nhận định.
Còn đối với những mặt hàng xuất khẩu theo đường biển trước đây khi đến cảng phải dừng lại để kiểm tra COVID-19. Nếu Trung Quốc phát hiện virus sẽ cảnh báo và tạm dừng nhập trong 2 tuần để khử khuẩn sau đó đình chỉ doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian nhất định. Do đó, khi mở cửa trở lại thì quy định này không còn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thuỷ sản.
Theo SSI Research, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, điều này sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Còn với ngành tôm đông lạnh chế biến, theo một số doanh nghiệp trong ngành, mặt hàng này ít có khả năng cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Theo ông Lực, Trung Quốc có ngành công nghiệp chế biến tôm rất phát triển. Nước này chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ về chế biến sâu và bán ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá và giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. SSI Research cho rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022.