|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đổi quyền lợi lấy cổ phần - cấu trúc thương vụ lạ tại Shark Tank

06:51 | 02/10/2024
Chia sẻ
Thay vì đề nghị startup bằng các khoản tiền mặt hấp dẫn, nhà đầu tư Shark Tank Việt Nam mùa 7 thường đưa ra cấu trúc deal tiền mặt cộng thêm đổi quyền lợi để thương lượng phần trăm cổ phần với các nhà sáng lập.

Trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7, Hương Lưu - CEO Founder của thương hiệu Grandma Lu's đã trình bày mô hình kinh doanh độc đáo kết hợp giữa bán bánh mì và dịch vụ lưu trú. Cô kêu gọi 3,3 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Theo giới thiệu, Grandma Lu's hiện có 4 chi nhánh với tỷ lệ lấp đầy phòng trên 90%. Giá phòng khoảng 350.000 đồng/người. Mỗi khách sạn có từ 22 đến 37 phòng. Khách nước ngoài chiếm 70%, khách Việt Nam 30%. Độ tuổi khách từ 25 đến 35, chủ yếu là dân văn phòng và người kinh doanh. Mô hình này nhắm đến xu hướng du lịch một mình đang gia tăng.

Grandma Lu's tìm kiếm những khách sạn kinh doanh không hiệu quả để tiếp quản, sau đó phân nhỏ phòng để tối ưu hóa doanh thu. Bên cạnh dịch vụ lưu trú, Grandma Lu's còn kinh doanh bánh mì với công thức độc đáo. Sản phẩm này được lấy cảm hứng từ người bà quá cố của nhà sáng lập. Mỗi ổ bánh mì có gắn mã QR, khi khách quét mã, Grandma Lu's sẽ trích 2.000 đồng cho hoạt động từ thiện.

 Hương Lưu, nhà sáng lập xinh đẹp của Grandma Lu's. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Năm 2023, Grandma Lu's đạt doanh thu 9,3 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế 12,5%. Mục tiêu doanh thu năm 2024 là 14,7 tỷ đồng. Các Shark đánh giá cao nhiệt huyết và năng lượng của founder Hương Lưu. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra một số điểm yếu trong chiến lược kinh doanh và khả năng mở rộng của mô hình này.

Mức định giá dựa trên doanh thu dự kiến 2025 là 25 tỷ, với lợi nhuận khoảng 10-12%, khiến Shark Bình nhận định đây là cách "đếm cua trong lỗ". Dù Founder đưa ra các số liệu kinh doanh để chứng minh khả thi, các Shark vẫn bày tỏ lo ngại về tính bền vững của mô hình.

Shark Nguyễn Phi Vân đặt câu hỏi về tỷ trọng doanh thu giữa khách sạn và bánh mì, Founder cho biết hiện tỷ lệ là 50-50, nhưng tương lai có thể chuyển thành 70% từ bánh mì.

Shark Lê Mỹ Nga và Shark Tillman Schulz đều lo ngại về khả năng bảo vệ mô hình kinh doanh và việc startup sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn trong tương lai. Dù đánh giá cao tiềm năng của founder, các Shark vẫn cho rằng chiến lược của Grandma Lu's chưa đủ thuyết phục để đầu tư.

Cuối cùng, Shark Minh Beta đồng ý đầu tư 3 tỷ cho 18% cổ phần, không bằng tiền mặt mà dưới hình thức hỗ trợ phát triển, gần như trở thành một Co-Founder. Đây là một điểm gây chú ý trong thương vụ này.

Ban đầu, Hương Lưu muốn giữ lại 8% cổ phần để huy động thêm vốn từ nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, điều này không thuyết phục được Shark Minh Beta và nhà sáng lập Grandma Lu's đành chấp nhận deal này sau quá trình thương lượng.

Nữ founder nhấn mạnh rằng "tiền không phải là tất cả" và cô tham gia Shark Tank với mong muốn được các Shark đồng hành. Kết quả, Grandma Lu's đã gọi vốn thành công với thỏa thuận ba tỷ đồng giá trị phi tiền mặt cho 18% cổ phần từ Shark Minh Beta.

Ra deal đổi quyền lợi chứ không đổi tiền là một hình thức khá mới và được Shark Minh Beta áp dụng nhiều lần trong quá trình thương lượng với startup xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 7. Với lợi thế sở hữu hệ thống chuỗi rạp chiếu phim và khu căn hộ dịch vụ rộng khắp, vị "cá mập" này thường đưa cấu trúc deal gồm tiền mặt cộng in-kind (tức quyền lợi) để ra giá với các startup.

Trước Grandma Lu's, Shark Minh Beta đã chốt với startup Box Dance – một mô hình trò chơi kết hợp thể thao. 

Box Dance Fitness Gaming (Box Dance) là một mô hình giải trí kết hợp giữa yếu tố thể thao và chiến thuật, với các trò chơi được thiết kế để người chơi vận động thể chất qua nhiều cấp độ khác nhau. Mỗi lượt chơi kéo dài 15 phút có giá 100.000 đồng, kèm theo đó là tất chống trơn với giá 20.000 đồng/đôi. Ngoài ra, Box Dance còn cung cấp nước giải khát và đồ ăn nhằm tối ưu hóa doanh thu tại các điểm chơi.

 Box Dance - một startup xuất hiện tại mùa 7 đã chấp nhận cấu trúc deal tiền mặt cộng quyền lợi của Shark Minh Beta. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Hiện tại, Box Dance đã có hai điểm chơi tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội là Royal City và Times City, với kế hoạch mở rộng thêm ở TP HCM. Điểm thú vị là tỉ lệ người chơi quay lại các điểm chơi Box Dance đạt trên 30%, cho thấy sức hút bền vững của mô hình này.

Theo đội ngũ sáng lập, ý tưởng khởi nghiệp của Box Dance xuất phát từ việc quan sát thấy phần lớn giới trẻ Việt Nam đến trung tâm thương mại thường chỉ xem phim, ăn uống hoặc tham gia các trò chơi điện tử ít vận động. Box Dance mong muốn tạo ra một không gian giải trí lành mạnh, nơi người chơi không chỉ giải trí mà còn rèn luyện thể thao.

Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ một mô hình trò chơi tại Mỹ. Tuy nhiên, đội ngũ Box Dance đã tự phát triển phần mềm và các hiệu ứng game, biến nó thành sản phẩm độc đáo phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người Việt Nam. 

Trong thương vụ này, Shark Minh Beta đã chốt deal 10 tỷ đồng cho 40% cổ phần với 1,5 tỷ tiền mặt, 8,5 tỷ còn lại là in-kind.

Ngoài Box Dance,Ranus - startup giúp người dùng tự thiết kế mẫu áo và đặt sản xuất giao trong ngày cũng nhận được cấu trúc deal tương tự với Shark Minh Beta. Theo đó, Shark Minh chốt với nhà sáng lập Ranus thương vụ trị giá 2 tỷ đồng in-kind đổi lấy 5% cổ phần.

Theo định nghĩa từ Investopedia, "In-kind" là thuật ngữ dùng để chỉ các khoản đóng góp, hỗ trợ hoặc trao đổi dưới hình thức hàng hóa, dịch vụ hoặc tài sản thay vì tiền mặt.

Trong bối cảnh kinh doanh, đầu tư, hoặc hợp tác, "in-kind" có nghĩa là thay vì bỏ tiền mặt, một bên sẽ cung cấp những thứ có giá trị tương đương như vật liệu, sản phẩm, dịch vụ, hoặc lao động để đáp ứng các điều kiện của thỏa thuận.

Ví dụ, trong một thương vụ đầu tư, nếu một nhà đầu tư không cung cấp tiền mặt nhưng thay vào đó hỗ trợ startup bằng các dịch vụ tư vấn, marketing, hoặc cung cấp cơ sở hạ tầng thì khoản đầu tư này được coi là "in-kind".

Thành Vũ