“Đổi ngôi” trên thị trường cà phê
Ba thập niên trước, Costa Rica đưa việc canh tác cà phê rosbusta ra “ngoài vòng pháp luật”, cấm trồng cà phê rosbusta, khuyến khích người dân trồng cà phê arabica - được coi là cao cấp hơn, có giá mắc hơn. Giờ đây, biến đổi khí hậu làm nhiệt độ không khí tăng lên, sâu bệnh nhiều hơn, đe dọa sản lượng cà phê arabica và khiến nước sản xuất cà phê lớn thứ 14 thế giới này phải xét lại chính sách. Dự kiến vào thứ Bảy tới, ngày 15-10, Hội đồng Cà phê quốc gia Costa Rica sẽ họp bất thường để xem có nên bãi bỏ lệnh cấm trồng cà phê robusta có từ năm 1988 hay không.
Sự thay đổi chính sách đối với cây cà phê của Costa Rica cho thấy, biến đổi khí hậu có tác động mạnh mẽ như thế nào đối với cây trồng nói chung, cây cà phê nói riêng.
Cây cà phê arabica (người Việt quen gọi là cà phê chè) được trồng nhiều ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và một số nơi ở châu Á, từ lâu đã thống trị ngành cà phê, cung cấp khoảng 60% sản lượng cà phê toàn thế giới. Nhưng đây là giống cà phê rất nhạy cảm với thời tiết, dễ bị sương muối hủy hoại, hạn hán hoặc nhiệt độ cao hơn mức cho phép. Năm 2014 chẳng hạn, một đợt hạn hán tràn qua Brazil, vùng trồng cà phê arabica lớn nhất thế giới, khiến thị trường lo ngại nguồn cung bị thiếu hụt, giá cà phê tăng gấp đôi chỉ trong vòng 4 tháng, lên tới 4.500 đô la Mỹ mỗi tấn.
Cà phê robusta (còn gọi là cà phê vối) trồng nhiều ở Việt Nam, Indonesia và Uganda, có năng suất cao hơn, chi phí đầu tư thấp hơn và chống chọi với thời tiết, dịch bệnh tốt hơn. Trong tiêu thụ cà phê truyền thống, cà phê robusta chỉ được sử dụng để phối trộn hay chế biến cà phê hòa tan, còn arabica giữ vai trò quyết định chất lượng từ mùi vị, đến hương thơm của tách cà phê, vì thế cà phê robusta thường có giá thấp hơn, có khi chỉ bằng một nửa giá cà phê arabica.
Hiện thời ở Guatemala, nhiều nông dân đã trồng cà phê robusta thay vào chỗ những cây cà phê arabica bị nhiễm bệnh roya - bệnh gỉ sét trên cây cà phê; ở Nicaragua, Honduras và El Salvador nông dân trồng cà phê arabica, đặc biệt là ở các vùng có độ cao thấp, đã chuyển sang các loại cây trồng phù hợp với khí hậu ấm hơn như cây ca cao, cà chua và ớt.
Sự chuyển đổi từ cà phê arabica sang cà phê robusta có vẻ như là một xu thế không thể đảo ngược song không phải không gây tranh cãi. Ở Costa Rica, nhiều người lo sợ việc cho phép trồng cà phê robusta sẽ làm phương hại tới thương hiệu cà phê Costa Rica - nổi tiếng là vùng sản xuất cà phê arabica hảo hạng. “Danh tiếng là cái chúng tôi rất quan tâm”, Ronald Peters, Chủ tịch Viện Cà phê (ICAFE) - hiệp hội thương nhân cà phê lớn nhất Costa Rica, nói với hãng tin Reuters. Nhưng ngay đến ICAFE tháng trước cũng phải thừa nhận, không thể tiếp tục đặt cà phê robusta “ngoài vòng pháp luật”. Theo số liệu của tổ chức này, sản lượng cà phê năm nay sẽ ở mức 1,3 triệu bao (1 bao = 60 ký), giảm 7% so với năm ngoái, ảnh hưởng tới cuộc sống của 47.182 nông hộ trồng cà phê có đăng ký.
Do sản lượng arabica bị giảm, thương nhân phải nhập khẩu cà phê robusta để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nếu cà phê robusta được phép trồng trở lại, nhập khẩu sẽ giảm. Nhưng để tránh làm hoen ố thương hiệu cà phê arabica thượng hạng của Costa Rica, ICAFE đề nghị cà phê robusta chỉ được canh tác ở những khu vực riêng, biệt lập với cà phê arabica.
Nhu cầu thị trường cũng là yếu tố thúc đẩy sự trỗi dậy của cà phê robusta. Hiện nhu cầu cà phê của tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển đang đẩy mức tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng mạnh, riêng cà phê arabica thì không cung ứng nổi nên thị trường chuyển sang dùng cà phê robusta - giá rẻ hơn, nguồn cung ổn định hơn - để bù đắp. Ngay đến các hãng cà phê danh tiếng như Nestlé cũng đang sử dụng nhiều cà phê robusta được canh tác và chế biến theo kỹ thuật riêng của hãng; loại cà phê hạt rang Nespresso cao cấp chẳng hạn, được chế biến từ hạt cà phê robusta canh tác tại Nam Sudan ở châu Phi.
Một sự thay đổi đáng chú ý nữa là trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng lên không ngừng thì diện tích và sản lượng cà phê lại sụt giảm liên tục. Theo một nghiên cứu đăng trên tập san Climate Change vào năm ngoái, đến năm 2050, diện tích đất phù hợp với cây cà phê trên toàn cầu sẽ giảm đi 50%.
Việt Nam là nước có diện tích trồng cà phê robusta lớn nhất, lượng xuất khẩu cũng hàng đầu. Xu hướng đổi ngôi của cà phê thế giới sẽ đặt ra những thách thức nào, mang lại lợi ích gì là những vấn đề cần được theo dõi, nghiên cứu thấu đáo.
Theo Thái Bình - Reuters
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/