Độc quyền dễ dẫn tới giá điện thiếu minh bạch
Theo PGS Tuấn, thị trường truyền tải và phân phối điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền và với mô hình “một người bán duy nhất” như hiện nay sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tất cả các nhà sản xuất điện phải bán điện cho EVN ở mức giá do EVN quyết định.
Chuyên gia này cũng chỉ ra mặc dù thị trường phát điện đã có sự tham gia của các đơn vị sản xuất ngoài EVN nhưng hiện trạng và xu thế trong thời gian tới cho thấy lĩnh vực sản xuất điện vẫn sẽ do EVN đóng vai trò là nhà đầu tư và phát triển chủ lực. EVN và các công ty thành viên hiện nắm giữ 61,4% tổng công suất phát điện toàn hệ thống, tương đương với 25.884 MW.
Trong khi đó kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn phát triển của thị trường điện trong thời gian qua cho thấy sự độc quyền đều mang lại nhiều trở ngại hơn là lợi ích quốc gia. Độc quyền xóa bỏ mọi sự cạnh tranh, yếu tố tiên quyết để kích thích thị trường, khuyến khích đổi mới để chất lượng dịch vụ và sản phẩm tốt hơn.
PGS. TS Bùi Quang Tuấn đề xuất Chính phủ cho tỉnh Ninh Thuận thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng mua điện nhằm giúp thị trường vận hành hiệu quả, giảm thiểu chi phí và tận dụng tốt hạ tầng điện lực. Đặc biệt là đối với điện năng lượng tái tạo, nhiều quốc gia đã thực hành cơ chế mua bán điện trực tiếp. Các nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo được phép giao dịch trực tiếp với khách hàng mua điện.