|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh thu phí bảo hiểm giảm ba quý liên tiếp

15:57 | 29/12/2023
Chia sẻ
Sau khủng hoảng niềm tin, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tiếp tục ghi nhận những kết quả kém sắc. Trong khi đó, bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì được sự tăng trưởng.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm trong quý IV/2023 ước giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm 2022.

Như vậy quý IV ghi nhận ba quý liên tiếp doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng âm. Đồng thời, 2023 cũng là lần đầu tiên trong ít nhất 10 năm, doanh thu phí bảo hiểm đi lùi. 

Trước đó vào giữa tháng 12, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), đưa ra ước tính rằng trong năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 227.596 tỷ đồng. 

Doanh thu phí bảo hiểm so với cùng kỳ đã tăng trưởng âm ba quý liên tiếp. 

Tuy nhiên, sự sa sút trong năm nay chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, còn lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt gần 156 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4%. 

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến ngày 04/12, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.400 tỷ đồng (tăng 30,19% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.800 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 62.600 tỷ đồng. 

Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước tăng 12,06% so với năm 2022; tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới tăng 0,41%; tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng 11,1%.

Diễn biến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy khủng hoảng niềm tin vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Trong tương lai gần, các chuyên gia và công ty chứng khoán dự báo rằng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), sẽ khó phục hồi trong ngắn hạn. Những năm gần đây, bancassurance từng là động lực tăng trưởng chủ yếu cho ngành bảo hiểm nhân thọ.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ) bị ảnh hưởng từ việc thu nhập của người dân giảm sút, các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, và điều chỉnh hoạt động thích nghi với các quy định mới. Sau 8 tháng đầu năm, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. 

VCBS cho rằng thu nhập từ bán chéo bảo hiểm dự báo đi ngang trong năm 2024 do các ngân hàng sẽ cần thời gian cơ cấu lại chiến lược, hoạt động, cấu trúc sản phẩm, và lấy lại niềm tin của khách hàng.

Còn TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng Thông tư 67 của Bộ Tài chính sẽ khiến kênh bán chéo bảo hiểm tiếp tục gặp khó. “Không có cửa nào sáng, đặc biệt là hoạt động bancassurance”, ông nhận định. 

Sau những quy định mới của Bộ Tài chính, ông dự báo kênh bảo hiểm sẽ không tăng trưởng trong ngắn hạn và cần nhiều thời gian để thị trường có thể điều chỉnh thói quen, định hướng cho khách hàng.

Trong khi đó, ngành bảo hiểm phi nhận thọ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định và đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài.

Minh Quang

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?
Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.