|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngành bảo hiểm năm 2023: Lần đầu tiên doanh thu phí sụt giảm trong hàng chục năm

08:00 | 27/12/2023
Chia sẻ
Ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, đã trải qua một năm đầy sóng gió sau cuộc khủng hoảng niềm tin. Tuy vậy, tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn rất lớn.

 

2023 đầy sóng gió với bảo hiểm nhân thọ

Sau khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã chững lại vào năm 2023 sau khủng hoảng niềm tin và việc các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh lĩnh vực này.

Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục ghi nhận kết quả ổn định, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. 

Theo ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 227.596 tỷ đồng. IAV không cung cấp con số cụ thể về doanh thu phí bảo hiểm của năm 2022 để làm mốc so sánh.

Tuy nhiên, khi so sánh với kết quả thống kê của Bộ Tài chính cho năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã sụt giảm 8,1%. Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ sự yếu kém của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sau cuộc khủng hoảng niềm tin hồi đầu năm. 

Số liệu năm 2023 là ước tính của IAV.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, thì có thể thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành đã giảm 6,9% so với cùng kỳ, xuống còn 165.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Doanh thu của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7%.  

Sự sa sút của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng có thể được nhìn thấy qua thu nhập từ hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng (bancassurance). Trong nhiều năm gần đây, bancassurance từng là động lực tăng trưởng chính của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Từ chỗ chỉ chiếm 5% doanh số bảo hiểm vào năm 2016, sang đến 2022, 46% bảo hiểm khai thác mới đã đến từ ngân hàng, theo số liệu của IAV. 

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, mảng kinh doanh này đã sa sút. Theo báo cáo tài chính từ 8 ngân hàng có công bố chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm, trong 9 tháng đầu năm, các nhà băng này đã kiếm tổng cộng 9.409 tỷ đồng từ việc bán chéo bảo hiểm, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngân hàng như SeABank còn chứng kiến mức sụt giảm gần 80%.

 

Nếu quan sát kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm 2023 (11 công ty), có thể thấy hoạt động tài chính đã đem lại khoản lãi lớn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi từ kinh doanh bảo hiểm lại giảm gần 50%. Cùng với các giải pháp tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã duy trì lợi nhuận không giảm quá 1%.

Các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lãi lớn từ hoạt động tài chính trong bối cảnh lãi suất vào cuối năm 2022, đầu 2023 tăng nhanh, giúp thu nhập từ từ tiền gửi, trái phiếu ghi nhận kết quả đột biến. Tiền gửi và trái phiếu chiếm khoảng 75% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vào cuối năm 2022, theo thống kê từ IAV.

Nhiều khả năng khoản lãi này sẽ không còn đột biến trong những năm tới, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Trong khi đó, niềm tin thị trường vẫn chưa trở lại, khiến doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động bán bảo hiểm khó khởi sắc.

Khó tăng trưởng trong ngắn hạn

Sau khủng hoảng niềm tin, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý và chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ. Dự kiến trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ thanh tra xong 14 doanh nghiệp bảo hiểm. Quá trình thanh tra đã chỉ ra một loạt sai phạm, từ hoạt động tư vấn cho tới tính toán thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Mới đây, Bộ Tài chính có Thông tư 67 cấm ngân hàng chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày giải ngân khoản vay. Thông tư 67 cũng yêu cầu phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp tài liệu tóm tắt về sản phẩm, hỗ trợ bên mua hiểu thông tin trong hợp đồng.  

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, đánh giá thông tư này sẽ khiến kênh bán chéo bảo hiểm tiếp tục gặp khó. 

“Không có cửa nào sáng, đặc biệt là hoạt động bancassurance”, ông Huân nhận định. TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng người dân Việt Nam mua bảo hiểm chủ yếu vì bị ép buộc chứ chủ động thì chưa nhiều. Nếu doanh nghiệp, ngân hàng tư vấn một cách thực chất thì sẽ có rất ít người mua.

Sau những quy định mới của Bộ Tài chính, ông dự báo kênh bảo hiểm sẽ không tăng trưởng trong ngắn hạn và cần nhiều thời gian để thị trường có thể điều chỉnh thói quen, định hướng cho khách hàng.

Bảo hiểm phi nhân thọ vẫn vững vàng

Trong khi ngành bảo hiểm nhân thọ gặp sóng gió, bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu không tính Tập đoàn Bảo Việt, sau 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết đã tăng trưởng 59%.

Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận kết quả tích cực ở cả mảng kinh doanh bảo hiểm lẫn hoạt động tài chính, lần lượt tăng trưởng 15% và 47% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp này nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì kết quả thuận lợi hơn so với nhóm nhân thọ ngay cả khi hiệu ứng tích cực từ lãi suất cao kết thúc. 

Trong năm 2023, khác với sự trầm lắm của thị trường bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ lại đón nhận sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tháng 11/2023, Pyn Elite Fund đã mua thêm 2,55 triệu cổ phiếu Bảo hiểm Quân đội (MIC- Mã: MIG), tăng sở hữu từ 11,4 triệu đơn vị lên thành 13,9 triệu đơn vị, tương đương với 8,08% vốn. Trước đó trong quý I và quý II, quỹ Phần Lan này cũng liên tục có động thái mua vào cổ phiếu MIG, tăng tỷ lệ sở hữu tại MIC. 

DB Insurance, ông lớn bảo hiểm của Hàn Quốc, cũng đã tiến hành thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua hai thương vụ mua lại 75% vốn của Bảo hiểm Hàng không (VNI - Mã: VNI) và Bảo hiểm Sài gòn - Hà Nội (BSH - Mã: BHI).

Tiềm năng vẫn lớn

Mặc dù đối mặt với khó khăn trong năm 2023 và thậm chí cả tương lai gần, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (tính bằng phí bảo hiểm/GDP) tại Việt Nam trong năm 2022 chỉ ở mức 2,6%. Tới năm 2025, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 3,5%.

Trong khi đó, theo thống kế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ thâm nhập tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh có thể lên tới 12%. Một số hàng xóm như Singapore, Malaysia cũng ghi nhận tỷ lệ thâm nhập gấp nhiều lần so với Việt Nam. Ngoài ra, hiện Việt Nam cũng mới chỉ có khoảng 12% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. 

Tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP của Việt Nam thuộc nhóm tương đối thấp.

Trung bình vào năm 2022, một người Việt Nam chỉ chi ra khoảng 2,5 triệu đồng cho bảo hiểm mỗi năm. So với năm 2017, phí bảo hiểm bình quân đầu người đã tăng hơn hai lần.

Với cơ cấu nhân khẩu học đang trong thời kỳ hoàng kim, có thể dự báo rằng phí bảo hiểm bình quân đầu người tại nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, khi một bộ phận ngày càng lớn dân số già đi, dẫn đến mức phí cao hơn.

Ngoài ra, ngành bản hiểm Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của những kênh phân phối, bán chéo ngoài ngân hàng, chẳng hạn như hệ thống cửa hàng tiện lợi, ví điện tử hay website. 

 

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm chấn chỉnh thị trường bảo hiểm trong thời gian gần đây cũng được thị trường đón nhận tích cực. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký IAV, đánh giá sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định tư duy theo đuổi chất lượng mới là đón bẩy lớn nhất giúp thị trường này vực dậy sau khủng hoảng niềm tin. 
“Khuôn khổ pháp lý chặt chẽ giúp bảo vệ khách hàng tốt hơn nhưng chính doanh nghiệp phải tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng mới có thể thay đổi diện mạo thị trường bảo hiểm”, ông nhận định.

Minh Quang