Doanh thu nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng trưởng 14,5%
Theo thống kê của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng trưởng 14,55%. Trong đó nhiều ngành đạt mức tăng doanh thu hai con số, vượt trội so với mức trung bình của toàn bộ khối doanh nghiệp như Ngân hàng - Tài chính, Vận tải - Logistics và Xây dựng - Bất động sản.
Techcombank Ho Chi Minh City International Marathon 2019 (Nguồn: Webthethao)
Ngành Ngân hàng - Tài chính đóng góp tỷ trọng doanh thu khoảng 14,59% trong bảng xếp hạng VNR500, Vietnam Report cho rằng giai đoạn 2018 - 2019 là giai đoạn "tăng trưởng theo cách thức mới" của ngành ngân hàng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng 2018 thấp hơn so với các năm trước, đạt mức 14%. Tín dụng tăng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, lãi suất huy động, tiền gửi tăng hợp lý và tỷ giá biến động không lớn. Những tác động tích cực từ xu thế chuyển đổi số, khiến ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng theo hướng hiện đại hơn.
Ngành Thực phẩm - Đồ uống chiếm tỷ trọng doanh thu 7,87%, được đánh giá là cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Thực phẩm – Đồ uống cũng đang là ngành hàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam, ước khoảng 35% mức chi tiêu.
Trong năm 2018, nếu tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 3,3 triệu tỉ đồng thì doanh thu bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ uống đã chiếm khoảng 12,3%.
Tỷ trọng doanh thu trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 (Nguồn: Vietnam Report)
Doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu theo ngành (Nguồn: Vietnam Report)
Ngành Xây dựng – Bất động sản chiếm tỷ trọng doanh thu 7,58%. Theo Vietnam Report, đây là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế kéo theo thu nhập người dân được cải thiện đã dẫn đến "sự bùng nổ" về nhu cầu nhà ở những năm qua. Xét về triển vọng ngành, Bất động sản vẫn được giới phân tích đánh giá khá thận trọng trong giai đoạn này và đây là những rủi ro mang tính ngắn hạn.
Tuy nhiên, dựa trên bối cảnh là nền kinh tế Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt và sự phát triển của thị trường chứng khoán, ngành Bất động sản cũng vẫn có các cơ hội tốt trong việc huy động vốn từ các nguồn khác nhau nhằm phát triển hệ thống doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ngành Viễn thông - Công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ có cơ hội trong mảng dịch vụ số hóa doanh nghiệp. Chuỗi giá trị dịch vụ tập trung trên ba khía cạnh: kết nối, nền tảng hạ tầng, dịch vụ chuyên ngành; phần còn lại thuộc về các công ty phần cứng và sản xuất thiết bị đầu cuối.
Trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia hội nhập cùng các doanh nghiệp toàn cầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Vietnam Report cho rằng nền tảng công nghệ số sẽ tạo ra áp lực lớn với các doanh nghiệp truyền thống, tạo ra cơ hội mới cho các start-up, đồng thời thay đổi hành vi, cách tiếp cận, tiêu dùng của người sử dụng.
Ngành Bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 1,96% doanh thu toàn bảng và là ngành được Vietnam Report đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm tới. Tốc độ tăng trưởng của ngành Bán lẻ tăng mạnh trong vài năm trở lại đây cùng với số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước.
Các doanh nghiệp bán lẻ được đánh giá có nhiều lợi thế về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng cũng như tính ưa chuộng ngày càng cao với các thương hiệu Việt, có nhiều cơ hội phát triển.
Ngành Dược chiếm tỷ trọng 1,01% cũng đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Tuy nhiên, hiện nay ngành Dược Việt Nam vẫn bị phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, và chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh để phát huy hết thế mạnh của ngành.
Dù gặp nhiều khó khăn về sản xuất và công nghệ nhưng cơ cấu dân số trẻ đang có tốc độ già hóa nhanh, thu nhập, tình trạng ô nhiễm môi trường và mức độ quan tâm của trên 97 triệu dân đến các vấn đề sức khỏe ngày càng cao… sẽ là những động lực cho ngành Dược tiếp tục tăng trưởng, Vietnam Report nhận định.
Như đã nói, ngành Vận tải - Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, có quy mô khoảng 40 - 42 tỉ USD/năm (khoảng 20% GDP).
Nguồn: Vietnam Report
Sự mở rộng của thị trường ngành Vận tải – Logistics phụ thuộc vào nhu cầu thương mại, bao gồm thương mại nội địa và xuất khẩu. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành Vận tải – Logistics khi trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và ký kết các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển… đang tiếp tục được nâng cấp.
Các doanh nghiệp trong nhóm VNR500 đạt hiệu suất sinh lời trên doanh thu (ROS) khoảng 6,32%, trong đó ngành Tài chính - Ngân hàng cao nhất đạt 9,28%.
Hiệu quả sinh lời trên doanh thu của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 cao hơn so với toàn bộ khu vực doanh nghiệp của cả nền kinh tế (đạt 4,2%, theo Báo cáo Sách trắng Doanh nghiệp 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhưng lại thấp hơn khi so với các doanh nghiệp trong khu vực thuộc Top 200 Doanh nghiệp tốt nhất châu Á dưới 1 tỉ USD (đạt 19,03%).
Hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA) của toàn bộ khu doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 là 2,78%. Trong các ngành phân tích ở trên, ngành Viễn thông – Công nghệ thông tin có ROA cao nhất đạt 13,11%.
Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 là 13,8%, trong đó ngành Bán lẻ có tỷ số ROE cao nhất với 25,74%.
Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 dự kiến được tổ chức vào ngày 9/1 năm 2020 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, TP Hà Nội.