|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh thu năm 2022 của Lộc Trời có thể tăng trưởng hai con số nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu

10:31 | 07/10/2022
Chia sẻ
VDSC dự báo doanh thu năm 2022 của Lộc Trời đạt mức tăng trưởng hai con số nhờ nhu cầu gạo toàn cầu ngày càng tăng và công ty có thêm nhiều khách hàng mới bên cạnh các thị trường truyền thống.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo doanh thu năm 2022 của Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) đạt mức tăng trưởng hai con số nhờ cả giá và khối lượng bán hàng sẽ có xu hướng tăng. 

Doanh số bán hàng của Lộc Trời tăng nhờ nhu cầu gạo toàn cầu ngày càng tăng trong khi sản lượng từ Ấn Độ thấp hơn và  nhu cầu nhập khẩu gạo cao từ Philippines. 

(Nguồn: VDSC)

Từ 15/10/2022, Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu các loại gạo do nước này cố gắng kiểm soát giá nội địa trong bối cảnh lượng mưa gió mùa dưới mức trung bình dẫn đến nhiều khó khăn trong việc trồng trọt.

Ngoài ra,Bộ Nông nghiệp Mỹ  (USDA) cũng dự báo sản lượng gạo toàn cầu 2022/23 sẽ thấp hơn, dẫn đầu là Ấn Độ, Bangladesh và EU, là cơ hội cho gạo Việt hưởng lợi về thị trường và giá bán.

Bên cạnh đó, theo cho biết từ Lộc Trời, nhu cầu gạo của Philippines, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và của tập đoàn, tăng cao trong thời gian này. 

USDA cho rằng Philippines sẽ buộc phải nhập khẩu gạo nhiều hơn trong nửa cuối năm 2022 do sản lượng sản xuất giảm và ảnh hưởng từ mùa bão (tháng 7 tới tháng 10). Do đó, sản lượng xuất khẩu gạo sang Philippines của Lộc Trời có thể sẽ đi lên trong những tháng cuối năm. 

Dữ liệu từ Cục Thực vật và Công nghiệp Philippines cho thấy gạo Việt Nam chiếm 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Cơ cấu xuất khẩu gạo sang nước này trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên 54% trong 8 tháng năm 2022 từ 41% trong 8 tháng năm 2021.

Về giá bán, giá gạo của Lộc Trời được kỳ vọng sẽ phục hồi cùng với kỳ vọng tăng của giá gạo xuất khẩu Việt Nam. Kể từ tháng 7/2021, giá xuất khẩu của Việt Nam đã có xu hướng giảm trong khi giá gạo tại Thái Lan lại phục hồi.

"Do đó, chúng tôi cho rằng giá xuất khẩu của Việt Nam có khả năng tăng, hỗ trợ cho việc tăng giá bán và biên lợi nhuận gộp của Lộc Trời", báo cáo viết.

 (Nguồn: VDSC) 

Ngoài thị trường truyền thống là châu Á, Lộc Trời cũng đang mở rộng xuất khẩu sang EU, Anh… để cải thiện biên lợi nhuận. Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu từ các thị trường xuất khẩu bên ngoài châu Á của doanh nghiệp này đạt 213 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia phân tích cũngkỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Lộc Trời sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2022 nhờ vào lợi thế kinh tế nhờ quy mô.  

Hiện, Lộc Trời đang mở rộng quy mô kinh doanh thông qua dự án “mô hình Cánh đồng lớn” (LFM) cũng như áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất nông nghiệp, tối ưu hóa chi phí đầu vào.

Trong tháng 7 vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời và Ngân hàng MB để phát triển vùng lúa chất lượng cao với diện tích 300.000 ha.

VDSC kỳ vọng 2022-2023 sẽ là giai đoạn tăng trưởng của Lộc Trời khi sản lượng bán hàng và giá đều sẽ có xu hướng tăng.

Thực tế, 6 tháng đầu năm, doanh thu của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) đạt 3.445 tỷ đồng, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp đạt 3,1%, tăng 120 điểm cơ bản so với nửa đầu năm 2021. Với kết quả này, Lộc Trời đã thực hiện được gần 58% kế hoạch doanh thu năm 2022.  

Hoàng Anh