|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh thu mỳ ăn liền kịch trần ở châu Á

15:09 | 29/08/2016
Chia sẻ
Các nhà sản xuất mỳ ăn liền châu Á đang chật vật để đưa ra chiến lược kinh doanh mới do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của họ đã chạm trần.

Dù dân số khu vực liên tục tăng, thị trường mỳ gói châu Á vẫn gặp thách thức lớn về tăng trưởng. Ngày càng nhiều người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm này do thêm nhiều sản phẩm đồ ăn nhẹ khác xuất hiện. Để cứu doanh thu, các nhà sản xuất đang chật vật tìm cách để kích cầu.

Thai President Foods là công ty mỳ ăn liền lớn nhất Thái Lan với hơn 50% thị phần, sắp tới sẽ lấn sân sang những mặt hàng mới như mỳ sơ chế, bánh bao, thịt lợn quay thay vì tập trung duy nhất vào mỳ.

Ngoài ra, quay lại với gốc rễ cũng là hướng đi mới. Công ty này vừa lập liên doanh với một công ty khác để sản xuất loại mỳ ramen từng được bán ở Nhật Bản hồi những năm 1980 và gọi đây là "nguồn gốc của mỳ gói".

doanh thu my an lien kich tran o chau a

Doanh số đi xuống

Theo Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới (WINA), số lượng mỳ ăn liền bán ra tại Thái Lan năm 2015 không thay đổi so với 2014, ở mức 3,07 tỷ gói. Trong khi đó, các thị trường Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc đều giảm liên tiếp trong hai năm trên. Tính chung toàn bộ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh số bán ra năm 2015 là 82,2 tỷ gói, giảm 7% so với năm 2014.

Các nước Đông Nam Á đang có GDP theo đầu người từ 2.000 đến 6.000 USD, tương đương Nhật Bản vào những năm 1970, thời điểm nhu cầu mỳ cốc bắt đầu tăng mạnh. Còn hiện nay, dù một phần lớn dân số khu vực vẫn có thu nhập thấp, nhu cầu dường như đã chạm trần.

Ông Junichi Kajiwara, chủ tịch Acecook tại Việt Nam, công ty đang chiếm khoảng 50% thị trường mỳ ăn liền tại đây, cho rằng doanh số đang bị ảnh hưởng do sự đa dạng hóa các bữa ăn nhẹ và khách hàng ngày càng ý thức hơn về sức khỏe, cho rằng ăn mỳ ăn liền không có lợi.

Để ứng phó, Acecook phát triển sản phẩm mỳ dạng cốc. Công ty đang bán loại sản phẩm này tại một số thành phố, mở đường cho việc phân phối khắp Việt Nam vào tháng 9.

Quyết định tung sản phẩm mỳ cốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính nội bộ Acecook, lo ngại thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng nếu thất bại. Tuy nhiên, ông Kajiwara vẫn chọn triển khai kế hoạch vì nhận thấy nhu cầu mỳ gói khó có khả năng tăng mạnh thêm nữa. Những cửa hàng bán lẻ, vốn không chuộng mỳ cốc vì giá đắt hơn mỳ gói, đang dần bày bán loại mỳ này nhiều hơn. “Chúng tôi muốn tăng tỷ lệ mỳ cốc lên 5% trong vòng ba năm”, Kajiwara nói.

Trong khi đó, một hãng mỳ khác, Nissin Foods Holdings của Nhật Bản, lại tìm cách kích cầu bằng các điểm bán mới như bể bơi, câu lạc bộ thể hình.

“Con tôi thích ăn mỳ cốc sau khi bơi mệt”, một ông bố 37 tuổi cho biết tại một hồ bơi ở TP HCM. Bể bơi này là một trong số hơn 300 địa điểm bán các sản phẩm của Nissin. Nhân viên công ty sẽ đến các điểm bán hàng tuần để đảm bảo có đủ sản phẩm cung cấp hoặc bán trực tiếp cho khách.

Tại Indonesia, Nissin lắp các kệ để mỳ cốc dành cho các văn phòng với hy vọng tăng doanh thu thông qua quảng cáo truyền miệng trong giới nhân viên văn phòng. Công ty dự định lắp đặt 1.500 kệ vào cuối năm 2016.

Tại Thái Lan và Việt Nam, người dân có thói quen ăn bằng cách cho vắt mỳ vào bát rồi rót nước sôi vào. Hiện chưa rõ mỳ cốc có được người tiêu dùng tại đây đón nhận rộng rãi hay không.

Các nhà sản xuất mỳ ăn liền Nhật Bản từng nhiều lần vượt qua thử thách giảm cầu bằng cách đưa ra sản phẩm mới nhưng tại thị trường Đông Nam Á, chiến lược này vẫn có thể đi theo một chiều hướng khác.

Quốc Thiên

Theo Nikkei