Doanh thu du lịch TP.HCM đạt hơn 115.000 tỉ đồng
Tại buổi thông về hoạt động ngành du lịch TP.HCM năm 2017 và phương hướng năm 2018 mới đây. Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong năm 2017 ngành du lịch thành phố thu hút khoảng 6,3 triệu lượt khách quốc tế đến thành phố, tăng 22,88% so với năm 2016, đạt 110% kế hoạch năm. Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 115.978 ngàn tỉ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trong năm 2017 cơ cấu của thị trường khách du lịch có sự thay đổi. Chẳng hạn năm 2016 khách từ thị trường Trung Quốc đến TP.HCM xếp vị trí thứ ba, năm nay thị trường Trung Quốc tăng lên vị trí thứ nhất. Tuy nhiên, không riêng TP.HCM mà cả nước lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam là cao nhất.
Hiện nay cơ cấu khách du lịch đến Việt Nam nói chung và TP.HCM có sự thay đổi. Đặc biệt khách du lịch ở thị trường Đông Bắc Á có sự thay đổi nhiều. Cụ thể năm 2015 du khách Nhật đến Việt Nam nói chung và thành phố không tăng trưởng, nhưng đến năm 2017 thì khách Nhật tăng trưởng 11-12%.
Khách Hàn Quốc trước đây du lịch đến Trung Quốc nhiều nhưng hiện nay họ chuyển sang Việt Nam. Do đó, năm 2017 khách Hàn Quốc đến Việt Nam có thể lên đến gần 2 triệu lượt người, cao thứ nhì chỉ sau thị trường Trung Quốc...
Theo ông Khánh, cấu trúc thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và TP.HCM đang có sự thay đổi. Vì vậy, du lịch TP.HCM tìm cách thay đổi, tái cấu trúc trở lại kể cả định hướng lại cho DN trên cơ sở phân tích thị trường, các thế mạnh của các DN đang khai thác. Sắp tới ngành du lịch thành phố căn cứ vào các thị trường này để thúc đẩy hoạt động quảng bá xúc tiến. Cũng như dựa trên thị hiếu của khách từ các thị trường này để phát triển các sản phẩm du lịch cho phù hợp.
Lễ hội Sắc màu năm châu 2017 tại công viên văn hóa Đầm Sen |
Liên quan đến thông tin từ Tổng cục Du lịch cho thấy có đến 80% du khách nước ngoài không quay trở lại Việt Nam lần thứ hai. Vậy tại TP.HCM như thế nào?
Ông Khánh cho biết hiện nay chưa có điều tra chính thức nào về tình hình du khách quay trở lại lần thứ hai. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, khách tới một điểm đến bao giờ cũng tùy theo mục đích của họ. Chẳng hạn du lịch văn hóa, du lịch khám phá hầu hết du khách chỉ đi một lần, ít khi quay lại. Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh thì du khách quay lại.
Như vậy khi tính toán một điểm đến một là phụ thuộc vào sản phẩm có phù hợp với mục đích của du khách khi đến điểm đó không, nếu so sánh lần trở lại thứ hai của khách với mục đích khác nhau thì hơi khập khiễng.
“Tuy nhiên, bất cứ điểm đến nào cũng mong muốn khách quay trở lại với mình. Muốn làm tốt hơn chúng tôi nghĩ điểm đến nào cũng phải làm là nâng cao chất lượng dịch vụ bảo đảm hài lòng cho du khách" - ông Khánh chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng hiện nay chi tiêu của du khách khi đến TP.HCM rất thấp, độ dài lưu trú cũng không nhiều. Làm sao để thu hút du khách ở lại thành phố dài ngày và tăng chi tiêu khi đến TP.HCM? Ông Khánh giải thích muốn vậy trước hết phải điều tra.
Hiện nay Sở Du lịch đang phối hợp với Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) thực hiện Đề án Điều tra độ dài lưu trú, chi tiêu bình quân. Phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - Luật và Khoa du lịch (ĐH Huế) thực hiện Đề án kiểm kê, đánh giá và quản lý hệthống tài nguyên du lịch trên địa bàn TP.HCM, dự kiến công bố kết quả vào tháng 3-2018.