|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh số NFT trên tựa game Axie Infinity tăng trở lại sau vụ hack hơn 600 triệu USD cuối tháng 3

16:32 | 12/07/2022
Chia sẻ
Theo nhận định của Tech in Asia, dù doanh số đã tăng trở lại, song giá trị mã thông báo trên tựa game Axie Infinity vẫn có xu hướng giảm.

Tựa game play-to-earn nổi tiếng Axie Infinity đang chứng kiến ​​sự quay trở lại của người dùng, với doanh số bán NFT tăng gấp ba lần sau vụ hack trị giá 620 triệu USD gần đây, khiến tựa game này phải tạm dừng hoạt động của Ethereum sidechain Ronin Bridge, theo Tech in Asia.

Jeffrey Zirlin, nhà đồng sáng lập Sky Mavis, đơn vị phát triển của tựa game Axie Infinity, chia sẻ trong một dòng tweet gần đây rằng doanh số theo ngày của Axies đã đạt 22.000 vào đầu tháng này, tăng hơn gấp 3 lần so với 7.000 vài tuần trước đó.

“Nature is healing (tạm dịch là “thiên nhiên đang được chữa lành)”, ông Zirlin chia sẻ, ám chỉ về việc đại dịch đang dần được kiểm soát cũng như tựa game Axie Infinity đnag dần quay trở lại vị thế trước đó.

Doanh số NFT trên Axie Infinity tăng trở lại sau vụ hack cuối tháng 3. (Ảnh: Velivinki/123RF).

Zirlin nói thêm rằng bản cập nhật mới của trò chơi - Axie Infinity: Origin - cũng nhận được nhiều lượt tải xuống hơn và dịch vụ đặt cược Land của công ty cũng đang có số lượng hoạt động cao. Người đồng sáng lập Sky Mavis cũng nhấn mạnh rằng Ronin Bridge đang hoạt động trở lại.

Liên quan tới vụ hack của Axie Infinity, theo Bloomberg, Hacker đã trộm hơn 600 triệu USD từ mạng blockchain kết nối với trò chơi ăn khách Axie Infinity. Tính tới hiện đây, đây vẫn là một trong những vụ tấn công tiền mã hóa lớn nhất thế giới.

Các máy tính (các điểm kết nối - node) do Sky Mavis, công ty sở hữu Axie Infinite, vận hành và Axie DAO) hỗ trợ các “cầu nối” (bridge) cho phép người dùng chuyển đổi từ token này sang token khác để sử dụng được trên các mạng khác đã bị tấn công.

Hacker đã tấn công vào Ronin Bridge với giá trị khoảng 173.600 Ether và 25,5 triệu giá trị token USDC bằng hai giao dịch. Vụ tấn công được thực hiện vào hôm 23/3 song mãi đến hôm 29/3 mới được phát hiện, theo Ronin, mạng blockchain vận hành Axie Infinity.

Sau đó, Sky Mavis cho biết đã kêu gọi thành công 150 triệu USD trong một vòng gọi vốn do sàn giao dịch Binance dẫn dắt, theo Nikkei. Một số đơn vị khác cũng tham gia cùng Binance có thể kể tới như Animoca Brands, Andreessen Horowitz, Dialectic và Paradigm.

Số tiền mới kêu gọi được sẽ được dùng để đền bù cho người dùng chịu ảnh hưởng bới vụ tấn công. “Vòng đầu tư mới, cùng với quỹ của Sky Mavis và Axie Infinity, sẽ đảm bảo tất cả người dùng có thể rút và nộp tài sản thoải mái”, Sky Mavis chia sẻ trong một thông cáo báo chí.

Gần đây, Sky Mavis cũng đã thông báo chấm dứt phiên bản "play-to-earn", hay còn được gọi là Axie Infinity Classic hoặc Axie Infinity v2 để tập trung vào phiên bản "free-to-play" hay Axie Infinity: Origin. Theo đó, Sky Mavis tiết lộ sẽ đóng cửa phiên bản "play-to-earn" sau mùa thứ 21, đã kết thúc trước đó vào hôm 24/6. Kể từ đây, kỳ lân của Việt Nam sẽ tập trung phát triển phiên bản "free-to-play".

Ở phiên bản miễn phí, người chơi sẽ không cần phải bỏ tiền ra mua thú (Axie) để tham gia chơi. Thay vào đó, họ sẽ được tặng một dàn Axie miễn phí để bắt đầu. Đặc biệt, người chơi mới của Axie Infinity: Origin không bắt buộc phải liên kết với ví Ronin.

Mặc dù doanh số bán hàng tăng khiến Axie Infinity trở thành dự án NFT bán chạy thứ 18 trong tuần qua, nhưng tựa game này được cho là đang có xu hướng giảm kể từ cuối năm 2021, với khối lượng giao dịch thấp hơn, đồng thời giá trị mã thông báo của trò chơi cũng giảm mạnh.

Doanh Chính