|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc khủng hoảng bên trong Axie Infinity - kỳ lân game mã hoá đầu tiên của Việt Nam

07:34 | 20/06/2022
Chia sẻ
Bắt đầu với tầm nhìn của một trò chơi để kiếm tiền (play to earn), Axie Infinity dường như lại đang muốn rũ bỏ hình ảnh khiến nó trở nên hấp dẫn nhất.

Alejo Lopez de Armentia chơi game vì nhiều lý do: giết thời gian, cảm xúc chiến thắng hoặc kết nối bạn bè. Vào những năm 20 tuổi, cảm thấy cô đơn khi làm việc tại một công ty năng lượng mặt trời tại Florida, anh dành nhiều buổi tối chơi game như một cách để kết nối với bạn bè tại Argentina nơi anh sinh ra và lớn lên.

10 tháng trước, Armentia (39 tuổi) phát hiện ra một trò chơi mới và một mục đích mới: chơi game để kiếm sống. So với các trò chơi nhiều người chơi mà anh thường chơi, Axie Infinity đơn giản hơn rất nhiều. Người chơi điều khiển một nhóm 3 sinh vật ảo để chiến đấu lẫn nhau. Khi một sinh vật ảo bị đánh bại, nó biến thành “ma” và khi tất cả sinh vật bị đánh bại đồng nghĩa với việc bạn thua trận. Một trận đấu kéo dài chưa tới 5 phút.

 Armentia ở nhà riêng tại Florida. (Ảnh: Bloomberg).

Ngay cả những người chơi Axie Infility thường xuyên cũng cho rằng nó không quá thú vị song điều này không khiến họ dừng nghiên cứu chiến thuật chơi và thậm chí mua các phần mềm chuyên dụng có thể giúp đội ngũ sinh vật ảo của mình mạnh hơn.

Armentia đã đầu tư 40.000 USD vào Axie Infinity từ tháng 8 năm ngoái. Anh thích trò chơi này song thừa nhận giải trí không phải mục tiêu của anh. “Tôi thực sự hy vọng chơi Axie Infinity có thể trở thành công việc toàn thời gian của mình”, anh nói.

Chơi để kiếm tiền

Lý do đằng sau mong muốn này là việc Axie Infinity có mối liên hệ với thị trường mã hoá. Người chơi sẽ nhận được token Smooth Love Potion (SLP) sau mỗi trận trắng và có thể kiếm được một đồng tiền mã hoá khác là Axie Infinity Shards (AXS) trong các giải đấu lớn hơn. Bản thân các nhân vật trong Axie Infinity, được gọi là Axie, chính là các token không thể thay thế (NFT) và có thể được trao đổi như một loại tiền mã hoá. Vì lý do này, người chơi Axie Infinity có thể kiếm được tiền theo nhiều cách khác nhau.

Mọi người chơi Axie Infinity mới đều cần Axie để bắt đầu chơi và điều này khiến giá Axie tăng. Armentia bắt đầu “nuôi thú” từ tháng 8 năm ngoái. “Bạn có thể kiếm được lãi từ 300% đến 400% chỉ trong 5 ngày”, anh chia sẻ.

Sky Mavis, công ty đứng đằng sau Axie Infinity, gọi trò chơi của mình là một hiện tượng kinh tế mới: thể loại game “chơi để kiếm tiền” (play to earn). “Chúng tôi tin vào một thế giới nơi làm và chơi là một”, Sky Mavis chia sẻ trên website của mình. Vào tháng 10 năm ngoái, Sky Mavis nhận vốn hơn 160 triệu USD đến từ các nhà đầu tư có tiếng ở mức định giá 3 triệu USD. Cùng thời điểm, Axie Infinity vượt mốc 2 triệu người chơi hàng ngày, theo Sky Mavis.

Nhiều người tin rằng Axie Infinity là một bằng chứng thực tế về tương lai khi internet được phát triển lại xoay quanh blockchain. Alexis Ohanian, người đồng sáng lập Reddit đồng thời là một nhà đầu tư của Axie Infinity, nhận định 90% thị trường game sẽ đi theo hướng “chơi để kiếm tiền” trong vòng 5 năm tới.

Gabby Dizon, người đứng đầu startup game mã hoá Yield Guild Games, mô tả Axie Infinity là cách để tạo “tư duy nhà đầu tư” cho nhóm người dùng mới sẽ tham gia vào thị trường mã hoá theo cách này hay cách khác. Trong khi đó, hôm 2/3, cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Andew Yang gọi web3 (một phiên bản phi tập trung của internet dựa trên blockchain) là “cơ hội tuyệt vời để cải thiện điều kiện sống của con người” và là “vũ khí lớn nhất để chống lại đói nghèo mà chúng ta có”.

Cuộc khủng hoảng bên trongAxie Infility 

Vào thời điểm ông Yang chia sẻ quan điểm của mình, nền kinh tế Axie đang chìm trong một cuộc khủng hoảng. Axie Infility mất khoảng 40% người dùng hàng ngày và SLP rớt giá xuống còn 1,8 cent (thời điểm cao nhất giá 40 cent) trong khi đó AXS rớt giá xuống 56 USD (thời điểm cao nhất giá 165 USD).

Tệ hơn nữa, hôm 23/3, hacker tấn công vào mạng blockchain của Axie Infility và lấy đi số tiền mã hoá giá trị 620 triệu USD. Và rồi vào tháng 5, u ám nhuộm đỏ thị trường tiền mã hoá. AXS mất giá xuống còn 20 USD và SLP giao dịch ở chưa đến nửa cent. Axie Infility trở thành một ví dụ điển hình cho thấy web3 là cách các nhà đầu tư và các những người đón nhận sớm thuyết phục mọi người đổ tiền vào một công cụ tài chính rủi ro, trong khi đó hacker cũng tìm cơ hội “rình mò” những người tham gia thị trường.

 (Nguồn: Coinbase, Sky Mavis, Bloomberg, Việt hoá: Thái Sơn). 

Khi khó khăn ập đến và cuộc cách mạng Sky Mavis mang đến trở nên trống rỗng hơn, startup này bắt đầu “thay đổi” câu chuyện của mình. Hồi tháng 12, trên website, Sky Mavis âm thầm sửa tuyên bố sứ mệnh của mình, xoá cụm từ “chơi để kiếm tiền” (play to earn) bằng “chơi và kiếm tiền” (play and earn).

Một vài ngày sau vụ hack, Sky Mavis ra mắt Axie: Origin, phiên bản mới của Axie Infinity với đồ hoạ và cách chơi được cải thiện. Điều quan trọng là phiên bản này không có liên quan đến tiền mã hoá do Sky Mavis hiểu rằng nhiều người chơi sẽ chỉ thử phiên bản mới này nếu loại bỏ toàn bộ những sự phức tạp của tiền mã hoá. Mục đích của Origin là thay thế phiên bản ban đầu và phiên bản không liên quan đến tiền mã hoá có thể sẽ thu hút được số lượng người chơi lớn. Dĩ nhiên, Sky Mavis vẫn sẽ ra mắt một bản đầy đủ đi kèm với nền kinh tế tiền mã hoá, theo Bloomberg.

Lãnh đạo Sky Mavis cố gắng tỏ ra rằng mọi thứ đều ổn song rõ ràng căng thẳng đang leo thang kể từ khi các đồng token gắn với Axie Infinity giảm giá mạnh từ cuối năm ngoái. Khi phóng viên của Bloomberg hỏi Jeffrey Zirlin, đồng sáng lập Sky Mavis, về nơi ở của mình, anh yêu cầu giữ bí mật thông tin do nhận được nhiều lời đe doạ đến tính mạng.

“Chúng tôi phải cận thận khi chia sẻ nơi ở, giống như tổng thống không phải khi nào cũng chia sẻ nơi ở của mình”, anh nói.

Zirlin cho biết anh rất cảm thông với những người đã mất tiền song thực tế này cũng có thể được nhìn nhận dưới góc nhìn tích cực. “Đôi khi chúng ta cần loại bỏ những người vào cuộc chơi chỉ vì tiền. Đó là cách thị trường tự điều chỉnh”, anh nói.

Các nhà đồng sáng lập Sky Mavis lần đầu gặp nhau ở một diễn đàn liên quan đến một trò chơi mã hoá khác là Cryptokitties, theo Zirlin. Zirlin quan tâm đến hình thức sưu tầm số từ khi anh vẫn đang sống ở New York và làm việc trong ngành tài chính.

Năm 2018, anh chuyển tới TP HCM, nơi một người đồng sáng lập khác của Sky Mavis là Trung Nguyen đang phát triển một trò chơi có thể thay thế Cryptokitties. Người đồng sáng lập thứ 3 của Sky Mavis là Aleksander Leonard Larsen từng là giám đốc cộng đồng của một studio game Na-uy.

Bộc lộ vấn đề trong nền kinh tế ảo

Thành công ban đầu của Sky Mavis đến từ một đổi mới trong công nghệ. Thời điểm đó, các game NFT đều dùng blockchain Ethereum để giao dịch nhưng với tốc độ không ổn định và phí giao dịch cao. Sky Mavis phát triển một mạng blockchain của riêng mình với tên Ronin cùng chi phí thấp và tốc độ cao hơn thông qua tập trung hoá một số chức năng chính để xác nhận giao dịch. Nhiều người phản đối Ronin do mạng blockchain này bỏ qua một số tính chất phi tập trung cốt lõi của blockchain, song mặt khác, nó hoạt động thực sự hiệu quả.

Một điểm mấu chốt khác giải thích cho thành công của Axie Infinity là “nền kinh tế” dựa trên một nhóm người chơi từ lâu đã tồn tại ở mảng game: những người chơi vì lợi nhuận. Theo đó, Axie Infinity có cơ chế cho thuê Axie với những người chơi chưa có đủ tiền để mua Axie của riêng mình.

“Tôi bắt đầu chơi vì kiếm tiền bằng cách chơi game là điều tuyệt vời và khó tin”, Filip, một người Slovakia, nói. Filip nhấn mạnh anh chơi Axie Infinity “100% để kiếm tiền và 0% để giải trí”. “Khi muốn vui, tôi sẽ chơi các trò chơi thực sự”, Filip nói với Bloomberg.

Việc Axie được nhìn nhận là một cách để kiếm tiền mang đến vấn đề lớn cho nền kinh tế ảo của nó. Axie Infinity được thiết kế với nhiều cách để kiếm và dùng SLP trong trò chơi. Bất kỳ token nào được dùng trong trò chơi sẽ biến mất. Thế nhưng những người chơi để kiếm tiền sẽ bán SLP trên thị trường mã hoá, đồng nghĩa với việc tổng số token sẽ tăng theo thời gian. Nguồn cung tăng thêm sẽ làm giá giảm. Vì thế, người chơi liên tục thúc ép Sky Mavis tìm ra các cách để giảm số lượng SLP lưu thông.

Giá SLP đạt đỉnh tháng 7 năm ngoái nhưng khi giá giảm, người chơi bắt đầu tích trữ nó với hy vọng giá sẽ tăng trở lại. Lars Doucet, một chuyên gia phân tích, nói với Bloomberg rằng Axie đang vướng vào vấn đề của “một con rồng đang ngủ”: Mỗi lần giá SLP tăng, con rồng – những người muốn bán SLP lấy tiền – sẽ thức dậy và bán SLP nắm giữ khiến giá giảm trở lại.

Ngay cả trước khi thị trường mã hoá chìm trong sắc đỏ, Sky Mavis vẫn gặp nhiều khó khăn để giải quyết các vấn đề trong nền kinh tế của Axie. Một hệ thống tài chính gồm toàn những người muốn bỏ ra 1 USD và kiếm về 2 USD chỉ có thể tồn tại nếu như những người vào sau có nhiều tiền hơn. Khi Axie Infinity không còn hấp dẫn như trước, lượng người chơi mới cũng giảm. Axie Infinity vướng vào một vòng luẩn quẩn.

 Philip La, giám đốc sản phẩm, và Zirlin ở Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg). 

Hôm 18/5, Zirlin và Larsen tổ chức một buổi chia sẻ với cộng đồng Axie trên Twitch. Vài ngày sau vụ hack vào tháng 3, Sky Mavis chi biết đã gọi vốn thành công 150 triệu USD để đền bù cho những người bị ảnh hưởng đồng thời sửa lại hạ tầng trò chơi. Dù vậy, gần 2 tháng sau đó, hệ thống vẫn chưa vận hành trở lại và lãnh đạo Sky Mavis chia sẻ mơ hồ về thời điểm mọi thứ được sửa chữa.

Những người đồng sáng lập dành phần lớn thời gian trên Twitch để nói về nỗi đau mà vụ việc gây ra. Larse nói về việc mất một số tiền lớn như vậy lại là cơ hội để tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ hơn. “Đây là lúc bạn biết ai là người bạn thực sự trong lĩnh vực này”, anh nói.

Sky Mavis có lý do để lo lắng về việc mất người chơi. Vào cuối tháng 5, ngay cả những người chơi hàng đầu cũng chỉ kiếm  được khoảng 0,68 USD/ngày.

Lúc này, Sky Mavis đang muốn giảm nhẹ bớt khía cạnh tài chính của Axie Infinity. Sky Mavis chiêu mộ Philip La trong vai trò giám đốc sản phẩm. Philip La là giám đốc sản phẩm tại công ty tạo ra Pokemon Go trước đó. Trước khi gia nhập Sky Mavis, Philip nhận định nền kinh tế trong trò chơi này sẽ sụp đổ nếu tất cả người chơi đều suy nghĩ như những nhà đầu tư. “Trước hết, Axie Infinity cần là một trò chơi”, Philip nói. Vì thế, anh quay trở lại những điều cơ bản và hy vọng biến Axie Infinity thành một trò chơi giống Pokemon Go hơn.

Nam Khánh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.