|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh số bán trái phiếu các thị trường mới nổi cao kỷ lục trong quý I

14:20 | 10/04/2017
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang mua vào một lượng kỷ lục trái phiếu mới, dấu hiệu cho thấy nhiều người vẫn hoài nghi về triển vọng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và không muốn thay đổi chiến lược đã áp dụng trong nhiều năm.

Wall Street Journal dẫn nguồn số liệu của Dealogic cho biết, các doanh nghiệp và chính phủ tại các thị trường mới nổi đã bán 178,5 tỷ USD nợ bằng đồng đô la Mỹ trong 3 tháng đầu năm, mức cao kỷ lục trong quý đầu tiên của năm. Các doanh nghiệp Mỹ với xếp hạng trái phiếu "rác" đã phát hành 79,6 tỷ USD nợ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp Mỹ xếp hạng tín nhiệm cao cũng phát hành 414,5 tỷ USD nợ trong 3 tháng đầu năm nay, mức cao kỷ lục được ghi nhận trong một quý.

Doanh số bán nợ cao kỷ lục phản ánh sự "thèm khát" của nhà đầu tư với các trái phiếu lợi suất cao hơn khi kinh tế Mỹ "lê lết" tới năm thứ chín tăng trưởng nhưng vẫn ở trạng thái tăng trưởng chậm. Các trái phiếu này được chào bán với lợi suất cao hơn trái phiếu chính phủ với rủi ro thấp, Chúng cũng được xem là ít rủi ro hơn cổ phiếu, đặc biệt với các nhà đầu tư xem xét tới giá trị lâu dài.

Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng Allianz SE cho rằng hoạt động thương mại kiểu cũ đã hoạt động rất tốt, vì vậy bạn cần phải có bằng chứng cực tốt trước khi khiến người ta từ bỏ điều gì đó đang hoạt động hiệu quả.

Việc săn lùng lợi suất dường như đã không còn được ưu tiên sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Các nhà đầu tư đặt cược giá cổ phiếu, hàng hóa nguyên liệu và các tài sản rủi ro khác tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, đánh cược rằng các kế hoạch kích thích của Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy kinh tế. Niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng lên cao nhất trong hơn một thập kỷ, theo Đại học Michigan.

Tăng trưởng tốt hơn có thể dẫn tới lạm phát cao hơn và thắt chặt chính sách tiền tệ, cả hai điều đó đều là đe dọa lớn tới giá trị của trái phiếu bởi chúng làm xói mòn lợi nhuận cố định theo thời gian.

Các nhà đầu tư đã rời bỏ trái phiếu, lo ngại rằng đà tăng kéo dài hơn ba thập kỷ đang chấm dứt. Theo số liệu của EPFR Global, các quỹ trái phiếu và quỹ đầu tư chỉ số toàn cầu đã bị rút đi 18,1 tỷ USD trong tuần sau khi Tổng thống Trump thắng cử, lượng tiền rút đi lớn nhất kể từ tháng 5/2013.

Tuy nhiên, điều đó chỉ là một dấu hiệu tạm thời trước khi các nhà đầu tư trái phiếu quay trở lại mạnh mẽ trong năm nay. Họ đã bơm hơn 112 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu kể từ cuối tháng 12, tính tới ngày 5/4.

Sự đầu tư mạnh mẽ vào trái phiếu cho thấy các nhà đầu tư cảm thấy khó khăn thế nào khi bị lay động trước giả định rằng nền kinh tế có thể tốt hơn.

Các nhà kinh tế cũng cho rằng tăng trưởng chậm chạp có thể đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ lãi suất thấp tương đối. Niềm tin này được củng cố thêm khi Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu cho biết số người làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ tăng chỉ 98.000 trong tháng 3, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư đã bơm ròng thêm 2,5 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu "rác" Mỹ trong tuần kết thúc hôm thứ tư vừa rồi, cao nhất kể từ tháng 12. Các quỹ nợ thị trường mới nổi cũng thu thêm tiền về tuần thứ 10 liên tiếp, theo Bank of America Merrill Lynch. Trong khi đó, các quỹ chứng khoán Mỹ ghi nhận 14,5 tỷ USD tiền rút về trong tuần, mức cao nhất trong hơn một năm.

Theo Bank of America Merrill Lynch, các nhà đầu tư yêu cầu mức lợi suất cao hơn 3,93 điểm % so với lãi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ để nắm giữ trái phiếu lợi suất cao. Con số này thấp hơn một nửa mức ghi nhận tháng 2/2016, khi thị trường chứng khoán xuống đáy sau đợt bán tháo.

Một số nhà đầu tư cho rằng việc theo đuổi lợi suất có thể giảm nếu kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hay lao dốc.

Chính sách tiền tệ phi chính thức với lãi suất cực thấp hoặc lãi suất âm ở nhiều nước đang phát triển đang được kéo tới mức giới hạn. Có thể có tăng trưởng nhanh hơn nếu các chính phủ ban hành các chính sách tài khóa nhằm kích thích nền kinh tế của họ, hay nói cách khác, sẽ có một đợt suy giảm tăng trưởng dẫn tới suy thoái nếu những nỗ lực bất thành.

Những người cho rằng nền kinh tế có thể đang nóng lên cho rằng lạm phát có thể dẫn tới lãi suất cao hơn. Cả hai điều này đều sẽ làm giảm giá trái phiếu.

Nhưng nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái thì cũng sẽ là một vấn đề với trái phiếu. Tăng trưởng âm sẽ làm ảnh hưởng xấu tới bảng cân đối tài sản của các doanh nghiệp, tạo ra làn sóng vỡ nợ và ròng tiền rời khỏi trái phiếu.

David Lafferty, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Natixis Global Asset Management cho rằng các nhà đầu tư lớn tuổi và các quỹ hưu trí sẽ cung cấp cầu ổn định cho trái phiếu. Sự quan tâm đó có thể làm giảm bất cứ đợt bán tháo nào trên thị trường trái phiếu thậm chí cả khi FED đặt mục tiêu tăng lãi suất trong những năm tới.

Phương Nguyễn

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.