'Doanh nhân công nghệ Trung Quốc giờ không sợ ai'
Theo ông Gary Rieschel, một nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, ngành công nghệ của Trung Quốc đang phục hồi từ cuộc trấn áp của chính phủ. Các nhà sáng lập và nhà đầu tư đang điều chỉnh cho thực tại mới.
Ông Gary Rieschel, nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Qiming Venture Partners nói trong cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Bloomberg: "Giới doanh nhân Trung Quốc có thái độ "Anh không thể giết tôi" đối với chính phủ và bất cứ ai. Họ cực kỳ đua tranh, năng lượng thật phi thường. Tất cả những gì bạn có thể làm là chọn ra doanh nhân giỏi nhất".
Chính quyền của ông Tập Cận Bình khởi đầu cuộc trấn áp lên ngành công nghệ hồi năm ngoái, đầu tiên nhắm vào đế chế thương mại điện tử Alibaba, rồi mở rộng ra những gã khổng lồ khác như Tencent.
Bắc Kinh trừng phạt những công ty công nghệ độc quyền nắm giữ quyền lực lớn trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Đồng thời, giới chức trách cũng thiết lập các ưu tiên xã hội, bao gồm loại bỏ dạy thêm trực tuyến vì lợi nhuận và giảm thời gian chơi game của trẻ vị thành niên.
The ông Rieschel, nhà đầu tư đã cắt giảm khoản đặt cược vào công ty công nghệ sau các cuộc trấn áp, nhưng tình hình sau đó họ đã phục hồi.
"Chính phủ Trung Quốc đã truyền đạt rất rõ rằng có những lĩnh vực mà bạn không muốn rót vốn. Bạn sẽ không muốn bị chất vấn về công nghệ lưỡng dụng, bạn không muốn chịu áp lực từ cả Mỹ và Trung Quốc vì những lý do khác nhau. Rõ ràng hành động của Bắc Kinh đã điều hướng tiền đầu tư chuyển sang những lĩnh vực mà chúng tôi cảm thấy an toàn".
Nhìn chung, ông Rieschel cho rằng đợt trấn áp của Bắc Kinh có lẽ mang lại lợi ích lâu dài cho ngành công nghệ vì làm giảm quyền lực của những gã khổng lồ như Alibaba, Tencent, Baidu và JD.com.
"Những thay đổi về quy định phần lớn là tích cực đối với môi trường startup. Thực chất, Alibaba, Tencent, Baidu, JD.com đã tạo ra thế độc quyền. Vậy nên việc chính phủ can thiệp để phá vỡ một phần sự độc quyền sẽ là điều có ích cho những doanh nghiệp này về lâu dài".
Ông Rieschel cho biết các chính phủ trên toàn thế giới đang vật lộn với quyền lực to lớn của những gã khổng lồ công nghệ. Ví dụ tại Mỹ, Apple, Amazon và Facebook của Meta đều bị chính phủ chú ý.
"Ở cấp độ chính phủ, không một hệ thống nào trên thế giới – dù là Mỹ, Trung Quốc hay Singapore – sẵn sàng để đối phó với cơn sóng thần công nghệ ập đến họ. Con người khó có thể nghĩ về việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, nhưng đó là những gì chúng ta cần làm trong 10 hoặc 20 năm tới".
Khi được hỏi nhận định về nền kinh tế thứ hai thế giới trong năm 2022, ông Rieschel cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ "lo âu", còn các doanh nhân sẽ "tiếp tục con đường của họ".